Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn cảm ơn bạn trẻ hỗ trợ chống dịch Covid-19

26/03/2020 15:52

Kinhte&Xahoi "Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của các bạn cho cộng đồng. Hành động đẹp đó có ý nghĩa lan tỏa, giúp các bạn trẻ khác ý thức hơn về trách nhiệm với xã hội", Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS HCM Lê Quốc Phong nói.

Chương trình "Đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn với đoàn viên thanh niên" với chủ đề “Khát vọng Thanh niên Việt Nam”.

Sáng ngày 26/3, Trung ương (TƯ) Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chương trình "Đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn với đoàn viên thanh niên" với chủ đề “Khát vọng Thanh niên Việt Nam”.

Chương trình đối thoại được phát trực tuyến trên fanpage Cổng thông tin TƯ Đoàn TNCS HCM. Chương trình diễn ra với 04 phần: 1- Khát vọng vươn lên; 2 - Khát vọng cống hiến; 3 - Khát vọng sáng tạo; 4 - Khát vọng sẻ chia.

Trong 3 giờ livestream, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đoàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên; thông tin đến đoàn viên, thanh niên những nội dung cốt lõi của Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020 và Tháng Thanh niên 2020; trao đổi về những đóng góp của tuổi trẻ đối với sự phát triển của đất nước, những khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc và những kỳ vọng của tuổi trẻ Việt Nam...

Thanh niên khát vọng vươn lên và cống hiến

Bạn Lê Anh Tiến - 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019  lĩnh vực khởi nghiệp hỏi: "TƯ Đoàn có những giải pháp, định hướng gì cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên trong bối cảnh xã hội hiện nay?".

Bí thư Lê Quốc Phong trả lời rằng với tiềm năng của thanh niên Việt Nam khởi nghiệp đang là một cơ hội. TƯ Đoàn xem hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm của mình, gắn với 3 đối tượng: sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ. Nhiều hoạt động hỗ trợ đa dạng: tư vấn, pháp lý, vốn, kết nối với các nhà đầu tư... được tổ chức liên tục.

"Thách thức cũng là cơ hội", anh Lê Quốc Phong nói.

TƯ Đoàn hàng năm cũng tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, để các bạn có thể. TƯ Đoàn cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời tổ chức các diễn đàn để các bạn đối thoại với Chính phủ, với các cơ quan hữu trách để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ Việt Nam...

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn tin tưởng vào sự thích ứng và linh hoạt của các bạn trẻ khởi nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay dù còn nhiều khó khăn. "Thách thức cũng là cơ hội", anh Lê Quốc Phong nói.

Bạn Đào Quang Nhật (Cần Thơ) hỏi: "Vừa qua đội tuyển U23 Việt Nam thành công. HLV Park Hang Seo nói rằng đó là do tinh thần Việt Nam. Vậy thì làm thế nào để phát huy tinh thần đó trong thanh niên?"

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn nói rằng tinh thần dân tộc là tài sản quý của người Việt Nam chúng ta. Làm sao để thúc đẩy được tinh thần này cùng với khát vọng cống hiến của bạn trẻ là trách nhiệm của Đoàn.

TƯ Đoàn tạo ra các hoạt động hiệu triệu thanh niên như "Phong trào thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo" đều được thực hiện nhằm hướng bạn trẻ bộc lộ tinh thần cống hiến.

Chính nhờ đó, khát vọng cống hiến trong các bạn luôn được thôi thức và lan tỏa thành phong trào. Đoàn cũng tôn vinh và biểu dương những tấm gương nổi bật trong lĩnh vực của mình, mong các bạn dẫn dắt và thôi thúc giới trẻ cống hiến.

Bạn Tố Như (Bình Dương, Nguyễn Thanh Hà (Thái Nguyên) hỏi: "Cống hiến có phải là không nên đòi hỏi quyền lợi cá nhân, sẵn sàng thua thiệt hay không?".

Anh Lê Quốc Phong trả lời: "Tôi mong mỗi bạn trẻ ở tất cả các cơ quan đơn vị hãy làm hết khả năng của mình, khẳng định mình với tập thể bằng nỗ lực của mình. Khi đó, tập thể sẽ ghi nhận sự phấn đấu của bạn.

Nhưng nếu như có điều gì chưa phù hợp, chúng ta cũng nên lắng nghe những sự góp ý để hoàn thiện bản thân mình để tiếp tục vươn lên. "Trẻ" không phải là sự thua thiệt mà theo một góc nhìn khác bạn sẽ có động lực để vươn lên".

Các bạn thanh niên, sinh viên đặt câu hỏi trực tuyến và ngay tại buổi đối thoại với Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn.

Nguyễn Khánh Linh (lưu học sinh Việt tại Pháp) và bạn Vũ Linh (Hà Nội) hỏi: "Thời gian tới, TƯ Đoàn có những biện pháp nào để thu hút nhân lực chất lượng cao đang học tập và sinh sống ở nước ngoài về nước làm việc, đóng góp cho đất nước?".

Anh Lê Quốc Phong trả lời: "Hiện tại, TƯ Đoàn có 18 tổ chức Đoàn, Hội ở các nước. Hầu hết những địa bàn có đông sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài đều có cơ sở Đoàn.

Qua các kênh này, TƯ Đoàn cung cấp thông tin về cơ hội của các bạn, thông tin tình hình trong nước để các bạn có được thông tin chính thống. Ngoài ra các bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin từ các tổ chức, trang web chính thức trong nước để có thông tin.

Đất nước luôn luôn cần sự đóng góp của các bạn. Và bằng cách nào, khi nào để đóng góp cho đất nước là sự lựa chọn phụ thuộc vào chính các bạn".

Những năm gần đây, TƯ Đoàn liên tục tuyên dương những tấm gương tiêu biểu của cộng đồng thanh niên, sinh viên ngoài nước. Qua đó tuyên truyền với xã hội để các bạn được ghi nhận, từ đó tạo động lực để các bạn tích cực đóng góp cho quê hương.

Bạn Lê Thị Ngọc linh (Quận 8, TP.HCM), Vũ Trung Anh (Thủy Nguyên, Hải Phòng hỏi: "Hiện nay, trước tình hình mạng xã hội phát triển, TƯ Đoàn có biện pháp gì để thu hút thanh niên tham gia hoạt động của Đoàn?
 
Anh Phong cho biết, thanh niên sử dụng mạng là hoạt động tất yếu. Chình vì thế, hoạt động Đoàn phải thiết thực, hiệu quả, bám sát vào nhu cầu và điều kiện của thanh niên hiện nay. Đoàn quán triệt tinh thần "Nơi nào có thanh niên thì nơi đó chúng ta phải tiếp cận được và hình thành môi trường để các bạn tham gia hoạt động".

Thời gian vừa qua, Đoàn cũng tích cực sử dụng không gian mạng để kêu gọi thanh niên cùng lan tỏa điều tốt chuyện hay và tiếp cận những thông tin tích cực, kêu gọi các bạn tham gia các phong trào Đoàn...

Đây là năm đầu tiên Đoàn không tổ chức lễ ra quân, chúng ta vẫn phát huy được thanh niên ở nhiều tuyến công việc khác nhau tùy thuộc vào tình hình và nhu cầu của đất nước.

Ngô Đức Thịnh (Quảng Bình), Vũ Đức Vinh (Quảng Ngãi) hỏi: Nhiều hoạt động Đoàn mới chỉ là hoạt động chân tay, chưa phát huy được trí thức của người trẻ. Vậy Đoàn làm thế nào để phát triển những hoạt động có hàm lượng tri thức cao?

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn: "Tôi mong mỗi bạn trẻ ở tất cả các cơ quan đơn vị hãy làm hết khả năng của mình, khẳng định mình với tập thể bằng nỗ lực của mình".

Trả lời vấn đề này, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đáp: Đổi mới phương thức hoạt động tình nguyện là yêu cầu luôn luôn được Đoàn TNCS HCM đặt ra. Chúng ta đang dần dần điều chỉnh.

Chúng ta vẫn tiếp tục phát huy các hoạt động cần "lao động chân tay" như các bạn nói, như là chúng ta trồng cây, xây nhà giúp bà con... Bên cạnh đó, năng lực tri thức của thanh niên cũng tích cực được vận dụng.

Chúng ta có những chương trình đưa tri thức lên vũng cao để giúp đỡ bà con làm kinh tế, các bác sĩ trẻ chữa bệnh cho bà con... Chúng ta có những đề án, ý tưởng tình nguyện để giải quyết những vấn đề của đất nước trong xây dựng đô thị, phát triển kinh tế nông thôn... để tận dụng hết khả năng của thanh niên.

 Thanh niên sáng tạo và sẻ chia

Anh Vũ Văn Thuận (Bí thư Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân) hỏi: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo của thanh niên, sinh viên. Tổ chức Đoàn cần có những hành động gì cụ thể để khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên?

Cổng ngân hàng sáng tạo đang được vận hành là cơ sở để Đoàn lựa chọn, vận dụng. Trong tất cả các hoạt động của mình, Đoàn luôn đề cao yếu tố sáng tạo, đặc biệt là trong các giải tưởng, các cuộc thi.

Các bạn Phạm Thùy Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh); Nguyễn Cao Cường (thành phố Bắc Ninh); Nguyễn Hà Thu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Năm 2019, đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước đề xuất hơn 1,2 triệu ý tưởng, sáng kiến mới, tuy nhiên chỉ có hơn 42.000 ý tưởng, sáng kiến được hỗ trợ triển khai thực hiện. Em muốn biết thời gian tới, Trung ương Đoàn có giải pháp gì để hỗ trợ thanh niên hiện thực hóa sáng kiến vào cuộc sống, mang lại giá trị cho cộng đồng?

Trả lời câu hỏi này, Bí thứ thứ Nhất Lê Quốc Phong cho biết, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo chúng ta làm từ lâu song từ Đại hội Đoàn lần thứ XI vừa rồi thì mới đưa thành phong trào lớn để triển khai trong giai đoạn từ 2017-2022.

Theo anh Lê Quốc Phong, năm đầu tiên sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, T.Ư Đoàn đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự quan tâm của các bạn thanh niên về hoạt động sáng tạo. Từ 2019 bắt đầu thúc đẩy hiện thực hóa, đưa ý tưởng vào cuộc sống.

“Như bạn nói số lượng ý tưởng hiện thực hóa còn ít nhưng các bạn cũng biết rằng, để ý tưởng hiện thực hóa được còn nhiều công đoạn, liên quan nhiều tới tính khả thi và phù hợp”, anh Phong nói.

T.Ư Đoàn cũng tiếp tục hỗ thanh niên hoàn thiện ý tưởng dang dở của mình bằng các kênh của Đoàn hiện có. “Quan trọng nhất là các bạn không được nản lòng. Khi ý tưởng chưa được hiện thực hóa thì có thể do nhiều nguyên nhân. Quan trọng là các bạn nhận ra chỗ thiếu sót, bền bỉ theo đuổi các ý tưởng của mình”, anh Phong nhấn mạnh.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy hỏi về đánh giá của TƯ Đoàn đối với sự đóng góp của thanh niên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy nói về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Cô hỏi rằng, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn TNCS HCM có đánh giá như thế nào về sự đóng góp của thanh niên cho đất nước?

Anh Lê Quốc Phong chia sẻ: "Những hình ảnh, hành động đẹp của thanh niên trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 là niềm vui và sự tự hào của tôi khi nhận thấy các bạn thanh niên có ý thức tốt. Tôi và nhiều người cảm ơn các bạn, cảm ơn sự giúp đỡ của các bạn cho cộng đồng. Và chính những hành động đẹp của các bạn có ý nghĩa lan tỏa, giúp cho các bạn trẻ khác ý thức hơn về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội".

Một bạn sinh viên hỏi: "Khi em tham gia các hoạt động tình nguyện, bố mẹ em thường nói là "vác tù và hàng tổng" và sự không đánh giá cao của mọi người. Vậy có cách nào để em thuyết phục gia đình?".

Anh Lê Quốc Phong cho rằng đây là việc mà nhiều thanh niên, sinh viên phải thuyết phục gia đình của mình trước khi tham gia các hoạt động tình nguyện, nhất là những hoạt động dài hơi như là Mùa hè xanh. Khi tham gia các hoạt động này các bạnd dều trưởng thành lên rất nhiều, hoàn thiện các kĩ năng cá nhân, học được các bài học về cuộc sống...

Muốn thuyết phục được gia đình, các bạn cần nắm bắt thông tin về hành trình tình nguyện của mình, tham gia một số hoạt động có thời gian ngắn để có kinh nghiệm trước khi bước vào những chương trình dài hơi. Qua đó, chính bạn sẽ thuyết phục được cha mẹ.

Một bạn thiếu niên gửi câu hỏi: "Trong bối cảnh dịch bệnh, cháu muốn tham gia hoạt động hỗ trợ chống dịch Covid-19 nhưng bố mẹ không đồng ý. Vậy thì làm thế nào để cháu được tham gia?".

Anh Lê Quốc Phong đánh giá cao tinh thần vì cộng đồng của bạn nhỏ. Anh cho rằng mỗi hành động nhỏ đóng góp cho xã hội đều đáng quý. Nếu bạn còn nhỏ và chưa thể tham gia góp sức trực tiếp như các bạn thanh niên, sinh viên thì có thể hành động phù hợp với sức của mình.

Trước tiên tuổi nhỏ cần học hành chăm chỉ, và nếu có khả năng thì hãy cổ động chiến dịch chống dịch bệnh Covid-19 bằng những tác phẩm văn học, những bức tranh hoặc góp sức mình bằng nhiều hình thức sáng tạo phù hợp với lứa tuổi khác.

Kết lại chương trình vẫn còn rất nhiều câu hỏi của các bạn thanh thiếu niên gửi về cho Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Những câu hỏi này sẽ tiếp tục được tổng hợp và trả lời sau.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bi-thu-thu-nhat-tu-doan-cam-on-ban-tre-ho-tro-chong-dich-covid-19-d120226.html