“Biệt thự bò” và các cô giáo 1 tuần gội đầu 1 lần!
Kinhte&Xahoi
Các nữ giáo viên ở vùng Lìa chỉ có thể gội đầu mỗi tuần 1 lần vì trường nội trú được xây dựng nhưng không có bể nước, trong khi đó những chuồng bò ở Nghệ An được xây với số tiền 260 triệu đồng.
Một cô giáo ở Quảng Bình sửa soạn hứng nước mưa trong hoàn cảnh nguồn nước ô nhiễm, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng (Ảnh: Hưng Thơ/ LĐO)
Các nữ giáo viên ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chỉ có thể gội đầu mỗi tuần 1 lần vì trường nội trú được xây dựng nhưng không có bể nước, trong khi đó những chuồng bò ở Nghệ An được xây với số tiền 260 triệu đồng.
Dư luận thật sự choáng váng khi báo chí công khai đơn giá xây dựng những cái chuồng bò cho người dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An.
Trong 67 chuồng bò, 4 cái loại 1 xây hết gần 510 triệu đồng; 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỉ. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 xây hết hơn 2,36 tỉ – tức là, 1 chuồng bò tương ứng gần 260 triệu đồng.
Xây chuồng bò cho người Ơ Đu có tốt không?
Có! Bởi đó là một trong những hoạt động từ một dự án mang tính chất “cần câu”. Dân tộc thiểu số rất ít người này có mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp: chỉ 4,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực 150 kg/người/năm; trong khi tỷ lệ hộ nghèo lên tới 57,28%.
Nhưng những cái chuồng, đắt đến mức người ta gọi là “biệt thự bò” lại trở nên hoang phí trước những bức bách cần kíp khác. Chẳng hạn hệ thống mương nội bản, chẳng hạn đập thuỷ lợi cho hàng chục ha mới khai hoang...
Câu chuyện những cái “biệt thự bò” cho thấy khi thực hiện các dự án, dường như chúng ta chỉ làm những gì mà chúng ta nghĩ là cần, hơn là bắt đầu từ những nhu cầu nhiều khi là thiết yếu của những người thụ hưởng.
Trong thực tế, khắp nơi là những cây cầu chơ vơ, xây xong bỏ hoang vì thiếu... đường dẫn. Những khu chợ xây xong không một bóng người vì biệt lập với khu dân cư. Những ngôi nhà cộng đồng cho đồng bào nhưng không một đồng bào nào vào trong đó vì không đúng với tập quán. Những khu tái định cư bỏ hoang vì nó quá xa ruộng nương, vì những ngôi nhà sàn đó được làm bằng bê tông...
Nhớ năm ngoái, Báo Lao Động đã có bài phản ánh về nỗi khổ của những giáo viên nội trú ở nhiều trường trên địa bàn Hướng Hoá, Quảng Bình. Cái khổ, là việc những nữ giáo viên ấy mỗi tuần chỉ dám gội đầu có một lần. Khổ, vì nguồn nước sinh hoạt, một thiết yếu của cuộc sống thì lại phải chờ... trời mưa.
Trường lớp khang trang, cơ sở vật chất được cải thiện có ý nghĩa gì khi ngay cả chuyện nước sinh hoạt cũng phải...nhờ trời.
Đến tận hôm rồi, dưới sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn, hệ thống ống dẫn nước mới được lắp đặt, bể chứa nước mưa mới được xây.
Sửa sai, điều chỉnh những khiếm khuyết, bằng sự thông cảm và thấu hiểu của công đoàn quá tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu từ đó, chúng ta nhìn nhận những sai lầm chủ quan trong các dự án dân sinh để nó thực sự bắt đầu từ nhu cầu, thực sự vì những thiết yếu của người thụ hưởng.
Theo Anh Đào - Lao Động