Bộ Nông nghiệp lên tiếng về ý kiến "90% dân Việt ăn gạo bẩn"

06/09/2020 19:10

Kinhte&Xahoi Tổng giám đốc một công ty xay xát gạo cho rằng hiện có 90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn, song lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Phát ngôn 90% dân Việt ăn gạo bẩn là hoàn toàn sai sự thật". Ảnh: Anh Thơ

Cách đây vài ngày, tại cuộc trao đổi "Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?", ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng hiện nay có tới 90% người dân Việt ăn gạo bẩn. Phát ngôn này đang gây ra nhiều phản ứng gay gắt của người trồng lúa và cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Bình cũng cho rằng, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo. Công ty Trung An là doanh nghiệp kinh doanh chế biến xay xát gạo hiện có 6 nhà máy tại Cần Thơ. 

Tuy nhiên, trao đổi với Doanhnhan.vn về ý kiến của lãnh đạo Công ty Trung An, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ. 

Ông Cường cho rằng, ngành gạo Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua, và mặt hàng này cũng được xuất khẩu tới rất nhiều thị trường trên thế giới. 

"Chúng ta đương nhiên có nhiều đối thủ cạnh tranh, phải đảm bảo giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, bởi ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua có sự tiến bộ rất vượt bậc", ông Cường nói. 

Theo ông Cường, hiện Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đơn phương, đa phương và các nước đều có hàng rào phi thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa.

Do đó, ông Cường cho rằng, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng chỉ vài chục nghìn tấn.

"Do đó, không thể nói gạo Việt Nam là gạo bẩn được. Mặt khác, thị trường gạo Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Nếu gạo chúng ta là gạo bẩn thì làm sao bán được, làm sao cạnh tranh được?", Cục trưởng Cục Trồng trọt nói. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam xuất khẩu gạo 7 tháng đạt gần 4 triệu tấn với giá trị đạt 2 tỷ USD, giảm khoảng 1,5% về khối lượng so với cùng kỳ nhưng giá trị thu về tăng khoảng 11%. Việt Nam là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.

Hiện, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng trong nửa đầu tháng 7. Giá lúa tăng đầu tháng do nông dân sắp chuẩn bị thu hoạch vụ lúa Hè Thu, vào thời điểm đó nguồn cung từ vụ Đông Xuân không còn nhiều. 

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu gạo Việt Nam và thị trường lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực bởi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo đã có sự sụt giảm về sản lượng.

 Ngọc Trìu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-nong-nghiep-len-tieng-ve-y-kien-90-dan-viet-an-gao-ban-d134415.html