Bộ Xây dựng phản hồi đề xuất xây dựng trụ sở liên cơ quan của Hòa Bình: Cần tính toán kỹ lưỡng để tránh lãng phí

11/09/2019 15:50

Kinhte&Xahoi Tỉnh Hòa Bình vừa đề xuất xây khu trụ sở liên cơ quan trên khu vực đổ thải của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng với số vốn gần 750 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý cần tính toán để tránh lãng phí và khả năng huy động vốn của địa phương.

Trụ sở hiện tại của UBND tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình muốn có trụ sở mới

Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ, cho thấy, Dự án khu trụ sở liên cơ quan (KTSLCQ) mà tỉnh này dự kiến xây dựng có tổng mức đầu tư khoảng 745,2 tỷ đồng. Vị trí quy hoạch KTSLCQ được thông báo là sẽ xây dựng tại khu đất đang được sử dụng làm nơi đổ thải của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. 

Cũng theo tỉnh này, Dự án san nền tạo mặt bằng khu vực đổ thải Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang trình thẩm định, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do Tập đoàn điện lực Việt Nam chi trả.

Theo tìm hiểu được biết, KTSLCQ tỉnh Hòa Bình do Sở Xây dựng tỉnh này làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, khu trụ sở có diện tích 11,24ha, tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình và được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Xây dựng công trình có diện tích 4.638m2, chiều cao dự kiến khoảng 15-19 tầng; Phương án 2: Tổ chức phân tán các khối công trình, chiều cao các công trình dự kiến khoảng 9-11 tầng. Với tổng diện tích sàn xây dựng trên 44.000m² để phục vụ chỗ làm việc cho 24 sở, ban, ngành với tổng số cán bộ nhân viên trụ sở 1.725 người.  

Trước đề xuất của tỉnh Hòa Bình, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về dự án nhiều trăm tỉ đồng này. 

Có cần thiết phải có trụ sở mới không?

Nêu ý kiến trước đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định pháp luật thì dự án nhóm B do UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện đầu tư thì dự án này phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt đồng thời đáp ứng yêu cầu theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành. 

Về vấn đề quy hoạch, Bộ xây dựng lưu ý: Vị trí quy hoạch KTSLCQ được thông báo là sẽ xây dựng tại khu đất đang được sử dụng làm nơi đổ thải của Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, nên tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu, xem xét nhằm hạn chế tối đa việc liên hệ, ràng buộc giữa các dự án, bố trí đủ nguồn lực để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, không phát sinh chi phí ngoài dự kiến làm ảnh hưởng đến tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình, việc đầu tư xây dựng trụ sở mới phải đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở, tránh lãng phí và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và khả năng huy động vốn của địa phương. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Hòa Bình cần xây dựng phương án xử lý, sắp xếp lại trụ sở của các cơ quan dự kiến di dời vào KTSLCQ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Trong những năm qua, Nhà nước đã có chủ trương và một số cơ chế chính sách nhằm xây dựng và từng bước hiện đại hóa công sở của các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện mục tiêu cải cách, hiện đại hóa nền hành chính. Nhiều địa phương đã quan tâm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công sở. 

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thậm chí, một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thậm chí việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí.

Không được lãng phí tài sản công gây bức xúc xã hội

Chỉ thị số 12 ban hành ngày 3/4/2017 về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, Thủ tướng đã yêu cầu: UBND các tỉnh, thành chỉ được phép quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới theo thẩm quyền khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: Trụ sở các cơ quan hành chính hiện tại không đáp ứng yêu cầu sử dụng; diện tích làm việc của cán bộ, công chức dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định; Trụ sở hiện có đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng; Không phù hợp với công năng sử dụng…Việc đầu tư phải đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh phô trương hình thức, lãng phí tài sản công gây bức xúc xã hội. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus