“Cấm cửa” nhà thầu bảo hành dự án theo kiểu “sống chết mặc bay”!
Kinhte&Xahoi
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ xử nghiêm chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm bảo hành dự án giao thông khi công trình vừa đưa vào khai thác đã hỏng, trong đó nhấn mạnh việc “cấm” nhà thầu tham gia đấu thầu trong một thời hạn, kiến nghị dừng thu phí BOT…
Tổng cục Đường bộ sẽ “cấm cửa” nhà thầu bảo hành dự án theo kiểu “sống chết mặc bay”!
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các đơn liên quan thực hiện trách nhiệm bảo hành dự án giao thông trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc do Trung ương quản lý trong dịp cuối năm.
Cơ quan này cho biết, có không ít công trình đưa vào khai thác bị hư hỏng, xuống cấp trong thời gian bảo hành nhưng chủ đầu tư, doanh nghiệp PPP chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu sửa chữa kịp thời, nhiều trường hợp chậm sửa chữa khắc phục, dây dưa kéo dài.
Hậu quả của việc thiếu trách nhiệm bảo hành làm cho hư hỏng không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình, gia tăng nguy cơ mất ATGT, gây bức xúc trong dư luận.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các cục quản lý đường bộ, Sở giao thông vận tải (GTVT) bộ tăng cường kiểm tra; sớm phát hiện các hư hỏng, xuống cấp của công trình và yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm sửa chữa, thực hiện trách nhiệm bảo hành quy định của Chính phủ.
Các đơn vị cần kiểm tra, theo dõi việc sửa chữa khắc phục của chủ đầu tư, ban QLDA, doanh nghiệp dự án. Theo dõi, đánh giá việc thực hiện sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết của nhà thầu thi công trong thời gian bảo hành, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.
Về việc xử lý vi phạm của nhà thầu trong bảo hành công trình, dự án, Tổng cục Đường bộ yêu cầu, đối với dự án BOT có thu phí tùy theo mức độ vi phạm, các sở GTVT, cục quản lý đường bộ có thể kiến nghị xử lý hành chính; giảm chi phí bảo trì; kiến nghị dừng thu phí; xử lý vi phạm hợp đồng.
Với các dự án đầu tư công, dự án BT, dự án khác, kiến nghị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA) xử lý nhà thầu, thu bảo lãnh, giảm hoặc thu tiền bảo hành theo hợp đồng; cấm nhà thầu tham gia đấu thầu trong một thời hạn; đưa vào đánh giá hạn chế về năng lực khi tổ chức lựa chọn nhà thầu; kiến nghị Bộ GTVT xử lý chủ đầu tư; giảm, giãn khi xét giao làm chủ đầu tư.
Đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, các đơn vị phải báo cáo trung thực về chất lượng công trình khi hết thời gian bảo hành, chịu trách nhiệm về nội dung chất lượng mà mình đã báo cáo, kiến nghị đồng ý hết bảo hành hoặc không chấp nhận xác nhận hết bảo hành. Kiên quyết không kiến nghị và không xác nhận hết bảo hành công trình đối với trường hợp hết thời hạn bảo hành mà công trình có hư hỏng, khiếm khuyết.
Đối với các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư, Tổng cục Đường bộ đề nghị đôn đốc quyết liệt nhà thầu sửa chữa khắc phục kịp thời hư hỏng, khiếm khuyết trong thời gian bảo hành theo đúng quy định của Nghị định số 46/2015 và các quy định của pháp luật. Kiểm tra giám sát chặt việc thực hiện khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết của nhà thầu.