Những năm qua, ngành Y – Dược luôn có điểm trúng tuyển cao nhất, điều này cho thấy khối ngành này vẫn tạo được sức hút với các thí sinh, bởi thực tế đây là một nghề đang hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp vì hiện nay ngành y tế vẫn đang rất cần bổ sung thêm nhân lực.
Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra tại Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam (gọi tắt là Học viện) – một trong những trường nằm trong “Top” đào tạo bác sỹ, dược sỹ hàng đầu Việt Nam đó là, vài năm trở lại đây nhiều sinh viên tại Học viện phải bỏ học (không phải bị kỷ luật)… nguyên nhân được một số cán bộ công chức (CBCC) Học viện đưa ra là do bộ máy quản lý “Chưa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ”.
Học viện Y học cổ truyền Việt Nam.
Theo đó, để tham mưu giúp việc cho Ban giám đốc Học viện, các phòng ban, khoa, bộ môn, đơn vị trực thuộc… mỗi vị trí đều có quy định về chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định tại Thông tư số: 12/2012/TT-BNV, ngày 18/12/2012 và Số: 14/2012/TT-BNV, ngày 18/12/2012 của Bộ Nội Vụ.
Tuy nhiên theo phản ánh của CBCC Học viện, hiện việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ tại Học viện đang cho thấy nhiều bất thường.
Cụ thể, Học viện với chức năng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học về chuyên ngành y dược cũng giống như các trường đại học khác trên cả nước, người đề xuất về tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm, và đương nhiên phải phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm theo quy định.
Nhưng, điều “kỳ lạ” là lãnh đạo Học viện lại bố trí lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, cụ thể hai Phó phòng tổ chức cán bộ là ông Đoàn Hữu Xuyến và bà Trịnh Thị Mai.
Thậm chí, tất cả cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ của Học viện không có ai là bác sỹ, hay dược sỹ…
Vậy việc bổ nhiệm này có đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện hay không? Đặc biệt là trong việc định hướng, phát triển công tác đào tạo của Học viện.
Bởi theo quy định Luật Giáo dục tại điều 17, khoản 2, ban hành kèm Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trưởng phòng quản lý đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy Đại học ít nhất 5 năm.
Trong khi đó, bà Trần Thị Minh Tâm chuyên ngành y tế công cộng từ Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương chuyển công tác về Học viện và được bổ nhiệm Trưởng phòng đào tạo theo Quyết định số 1041/QĐ-HVYDHCTVN ngày 8/11/2017.
Với các quyết định bổ nhiệm “khó hiểu” trên, nhiều CBCC bức xúc cho rằng, ban Giám đốc Học viện có bỏ qua các tiêu chuẩn được quy định về cơ hữu, kinh nghiệm… để bổ nhiệm hàng loạt trưởng bộ môn từ nơi khác về Học viện.
Thậm chí, nhiều cán bộ nhà trường không biết mặt lãnh đạo bộ môn là ai vì chưa bao giờ thấy họ tham gia họp, hay giảng bài cho sinh viên.
Nghiêm trọng hơn, một số cán bộ khác không đủ tiêu chuẩn làm giảng viên, hay hàng loạt các điều dưỡng “đột ngột” biến thành bác sỹ tham gia đứng lớp giảng dạy về chẩn đoán và điều trị, thậm chí giữ vị trí lãnh đạo một số bộ môn trọng yếu đào tạo chuyên ngành y dược như: Điều dưỡng Nguyễn Văn Lực, mã ngạch điều dưỡng 16b121; Phạm Thị Hương Giang, mã ngạch điều dưỡng 16b121…
Cũng theo phản ánh của CBCC Học viện, việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ không đúng chuyên môn trên dẫn đến hậu quả nặng nề là “chảy máu chất xám” tại Học viện; nhiều giảng viên có chuyên môn, năng lực cao đã bỏ Học viện ra đi, sinh viên không mặn mà với Học viện.
Để chấn chỉnh lại thực trạng trên, Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý để việc bổ nhiệm tuân thủ đúng theo quy định.
Và để Học viện thực sự là nơi đào tạo ra các bác sỹ giỏi để cứu người, chứ không phải là nơi đào tạo ra các bác sỹ ngay cả điện tâm đồ cũng không biết đọc tham gia khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân, như lời PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã từng nói.
Liên quan đến sự việc này, PV Pháp luật Plus đã có buổi trao đổi với hai lãnh đạo Phòng tổ chức cán bộ là ông Đoàn Hữu Xuyến và bà Trịnh Thị Mai.
Ông Xuyến cho biết: "Năm 1996, tôi là bộ đội chuyên nghiệp, trong thời gian này tôi đi học Trường Cao đẳng Lao động xã hội. Từ năm 2006-2009 Học liên thông tại Đại học Công đoàn. Đến năm 2010 chuyển về Học viện làm tại Phòng tổ chức cán bộ, năm 2014 được bộ nhiệm Phó phòng tổ chức cán bộ".
Còn bà Trịnh Thị Minh thì cho biết: "Bà là kỹ sư Đại học Nông nghiệp và tốt nghiệp năm 1994, sau đó học văn bằng 2 tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn năm 1999 và làm chuyên viên tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đến năm 2014 chuyển về khoa Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến năm 2017 công tác khoảng gần 2 tháng thì được bổ nhiệm làm Phó phòng tổ chức cán bộ của Học viện".
Tại buổi trao đổi, ông Xuyến bà Minh cũng cho biết: "Những việc liên quan đến cá nhân thì sẽ trả lời, còn những sự việc khác lãnh đạo Học viện sẽ trả lời PV vào một buổi khác".
"Việc bổ nhiệm lãnh đạo Phòng tổ chức cán bộ là do lãnh đạo bộ nhiệm", ông Xuyến, bà Minh cho hay.
Theo Pháp luật Plus