Nhiều khó khăn, vướng mắc
Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trở lại đây, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi ngày, cả nước ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới COVID-19. Hà Nội là địa phương có số người mắc COVID-19 tăng nhanh nhất cả nước khi liên tiếp có thêm nhiều ca nhiễm mới. Đơn cử, trong ngày 5/3, Hà Nội 25.013 ca, trong đó có 9.407 ca cộng đồng, tăng hơn 4.000 ca so với ngày liền kề trước đó. Hầu hết các ca F0 hiện đang điều trị tại nhà.
Đi liền với số người mắc COVID-19 và điều trị tại nhà tăng lên mỗi ngày, lượng người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cũng tăng theo. Hiện nay, do chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này nên nhiều địa phương và nhiều cơ quan chưa có sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây nhiều bức xúc cho người lao động.
Người dân xếp hàng xin giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Trường hợp của chị Nguyễn Phương Thảo (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Theo đó, dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ lâu nhưng chị Nguyễn Phương Thảo lại không nhận được thông tin gì từ tổ dân phố về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế, trong khi đây là giấy tờ bắt buộc phải có để tiếp tục quay trở lại làm việc.
Không chỉ gặp nhiều khó khăn khi xin giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19, nhiều trường hợp làm thủ tục xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cũng phải đi lại nhiều lần vì thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu giấy tờ này hoặc phải bổ sung giấy tờ khác.
Liên quan đến vấn đề này, cán bộ y tế quận Hoàng Mai cho biết: Việc người dân gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc làm các thủ tục hành chính sau khi khỏi bệnh COVID-19 là do đội ngũ y tế địa phương đã quá tải khi số lượng bệnh nhân tăng cao. Dù đã chia sẻ bớt công việc cho tổ trưởng các tổ dân phố, tuy nhiên với đặc thù địa phương có nhiều khu chung cư cao tầng, mật độ cư dân cao nên nhiều trường hợp đã khỏi bệnh vẫn chưa được giải quyết kịp thời các giấy tờ hành chính.
Theo cơ quan BHXH, việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng BHXH với người điều trị tại nhà lại chưa có quy định trong các văn bản pháp luật. BHXH Việt Nam cũng nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc các cơ sở khám, chữa bệnh cấp hồ sơ, giấy tờ cho người lao động không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) của Bộ Y tế.
Các ý kiến thắc mắc nhiều nhất là F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; Khi điều trị tại các bệnh viện dã chiến không được cấp giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, dẫn đến cơ quan BHXH không thể thanh toán cho người lao động.
Nhiều người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải đến cơ sở khám, chữa bệnh, kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp PCR. Do không trực tiếp đến cơ sở y tế, các trường hợp F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến trạm y tế xã, phường để xin giấy chứng nhận. Điều này dẫn đến ngày cấp ghi trên giấy bị lệch (cấp lùi lại) so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc để điều trị, không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm.
Hiện, tại Hà Nội, Sở Y tế đã có công văn hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với người lao động là F0 điều trị tại nhà.
Cần ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục nhanh chóng
Sớm nắm bắt được vướng mắc của người lao động, từ giữa năm 2021, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0 để làm căn cứ thanh toán hưởng BHXH. Bởi lẽ thực tế khi đó, người lao động phải nghỉ việc để điều trị COVID-19, các hồ sơ giấy tờ đó đều chứng minh họ nghỉ việc, hoàn toàn có thể dùng làm căn cứ thanh toán chế độ cho lao động, đỡ phát sinh thủ tục hành chính và giảm áp lực cho các y, bác sĩ lẫn nhân viên y tế địa phương.
Theo quy định, để được hưởng BHXH khi nghỉ chế độ ốm đau, người điều trị nội trú cần có giấy ra viện và người điều trị ngoại trú cần có giấy nghỉ việc hưởng BHXH (Ảnh minh họa)
Trong khi chờ các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để đảm bảo các quy định phù hợp tình hình thực tế, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các chế độ BHXH cho F0 một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, những quy định về thủ tục, giấy tờ để người lao động là F0 được hưởng chế độ BHXH là có cơ sở. Việc làm chặt chẽ, đúng quy định cũng cần thiết bởi nếu nới lỏng, tùy tiện dễ dẫn đến trục lợi BHXH. Người mắc COVID-19 cần có giấy chứng nhận F0 do cơ quan y tế xác định. Bên cạnh đó, họ cần có giấy xin nghỉ việc hưởng BHXH là do cơ quan y tế cung cấp đúng và đủ để người bệnh được hưởng chế độ.
Về giải pháp, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định, cần phải ứng dụng tin học hóa vào giải quyết giấy tờ, chế độ cho F0. “Khi người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà, cơ quan y tế địa phương xác định họ là F0, có giấy cách ly tại chỗ thì liên hệ với họ làm luôn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trong 5-7 ngày đầu. Muốn vậy cần xây dựng hệ thống tin học, kết nối email hoặc dữ liệu điện tử giữa cơ quan y tế địa phương, bảo hiểm và người bệnh để giải quyết các thủ tục giấy tờ”.
Khắc Nam - TTTĐ