Đảo lộn cuộc sống
Bạn Trần Thanh Vy, sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế quốc dân xuống Hà Nội học được 2 tuần thì trở thành F0. Khi bị nhiễm bệnh, Thanh Vy phải nghỉ học ở trường, tự cách ly tại nơi ở và chuyển sang hình thức học online. Khó khăn hơn, Vy phải ở một mình trong phòng và lo ngại nếu tình trạng trở nặng sẽ không có ai giúp…
“Sau 10 ngày dù đã xét nghiệm âm tính nhưng mình cảm thấy rất yếu, phải xin nghỉ học thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên nếu nghỉ quá 2 tuần, mình phải học lại học phần này, mà cố thì nhiều khi không thở nổi”, Vy chia sẻ.
Giảng đường ít sinh viên do số lượng F0, F1 tăng trong các trường đại học, cao đẳng
Bạn Lê Phương Anh, sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính cũng phải tự cách ly trong phòng khi biết mình là F0, mọi công việc làm thêm, thực tập, học hành phải tạm ngừng lại. Bạn Phương Anh lo lắng: “Mình phải xin nghỉ phép ở nơi thực tập, kỳ thi lấy chứng chỉ cũng phải xin hoãn… Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch tốt nghiệp của mình. Mình sợ nếu tình hình sức khỏe không được cải thiện để tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ thì sẽ không ra trường đúng hạn mà phải đợi đợt xét tốt nghiệp năm sau”.
Được biết nhiều trường đại học hiện nay đều tạo điều kiện và hỗ trợ cho các sinh viên, nhất là với các bạn đang chuẩn bị thi tốt nghiệp. Theo đó, sinh viên có thể học on và off mà không nhất thiết phải đến trường. Nhiều bộ môn còn cho phép sinh viên F0, F1 được nghỉ 2 tuần, nếu sau 2 tuần không thể đi học mới phải học lại học học phần này.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các trường đã triển khai nhiều hoạt động như tặng quà hỗ trợ các sinh viên mắc COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn, phát động chương trình "Đi chợ giúp bạn" nhằm giúp đỡ các F0 đang "mắc kẹt" tại phòng trọ. Cũng có trường tổ chức các cuộc thi như: "Vượt qua nỗi sợ nCoV" nhằm khuyến khích sinh viên tích cực luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe.
COVID-19 có nhẹ như lời đồn?
Mặc dù độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 ở nước ta cao nhưng không có nghĩa là không gây nguy hiểm cho người bị nhiễm. Đến thời điểm hiện tại, nhiều người đang có tâm lý chủ quan, suy nghĩ bất cần, nhất là người trẻ như: “Tiêm ba mũi vắc xin rồi, nhiễm COVID-19 cũng nhẹ thôi; Kiểu gì chẳng dính, bị sớm khỏi sớm”. Thậm chí, giới trẻ còn coi việc nhiễm bệnh là “hot trend 2022”, bản thân có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào khi cho rằng “ai rồi cũng bị F0”.
Nhiều bạn trẻ vẫn còn chủ quan với tâm lý "Ai rồi cũng là F0" (Ảnh minh họa)
Khi tự làm xét nghiệm tại nhà và thấy kit test hiện lên "2 vạch", lúc đó, bạn Ngô Bảo An sinh viên năm 4, Đại học Văn hóa Hà Nội cảm thấy không quá lo lắng vì cho rằng cơ thể đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
“Ban đầu mình cũng nghĩ như mọi người, tiêm vắc xin rồi, có bị cũng nhẹ thôi… Tuy nhiên sang đến ngày ngày thứ 3 và 4, mình mới cảm thấy nó không hề nhẹ như mọi người tưởng. Lúc đó, mình thấy lạnh từ bên trong cơ thể, dù mặc đủ các loại áo rét và đắp thêm cái chăn mà vẫn thấy lạnh run. Sau 5 ngày thì không còn sốt nữa nhưng mình ho nhiều cảm giác như “xé phổi” vậy. Đến bây giờ dù xét nghiệm đã âm tính nhưng mình vẫn đau đầu, nhức mắt và thi thoảng thấy bị hụt hơi, cảm giác không thể làm nổi việc nặng”, bạn Bảo Anh cho biết.
Còn bạn Đặng Ngọc Ánh sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng bản thân lúc đầu cũng không quá lo lắng vì đã được tiêm 3 mũi vắc xin. Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh, Ánh mới nhận ra các triệu chứng của COVID-19 không thực sự nhẹ như lời đồn.
“Mấy ngày đầu khi nhiễm bệnh, cơ thể rất mệt mỏi đi kèm với các triệu chứng như đau đầu, ho, sốt cao, khó thở… Bên cạnh đó, mình phải chi phí rất nhiều cho các khoản chuẩn bị điều trị, chưa kể để việc trong quá trình dương tính phải thuốc thang, ăn uống, điều trị… Đã thế, việc thực tập, học hành của mình cũng bị ngừng trệ do sức khỏe không đảm bảo.
Mình khuyên các bạn không nên có suy nghĩ “ai rồi cũng F0” và coi nó là cảm cúm thông thường. Ai chưa bị thì cố gắng bảo vệ sức khỏe, thực hiện 5K thật tốt. Nếu thấy sổ mũi, ngạt mũi, ngứa họng thì nên chủ động cách ly và theo dõi thêm, đừng chờ đến lúc 2 vạch rồi mới tính”, Ánh nói.
Đình Trung - TTTĐ