Cần sớm quản lý chặt, có chế tài 'mạnh tay' với thuốc lá điện tử

28/02/2021 20:15

Kinhte&Xahoi Dù thuốc lá điện tử đã xuất hiện nhiều năm ở Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có luật điều chỉnh, quản lý việc buôn bán và tiêu thụ sản phẩm này, dẫn đến tình trạng buôn lậu, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Hệ quả là giới trẻ dễ dàng tiếp cận và sử dụng chúng như một món hàng sành điệu, mà không biết phía sau trào lưu sành điệu kia là biết bao nhiêu nguy cơ về sức khỏe.

Thuốc lá điện tử lậu vẫn công khai quảng cáo kinh doanh bất chấp pháp luật. 

Sành điệu chết người

Sự có mặt của thuốc lá thế hệ mới gây ra nhiều tranh luận trong giới khoa học, đồng thời khiến nhà chức trách nhiều nước phải đau đầu về công tác quản lý, trong đó có Việt Nam. 

Người ủng hộ thuốc lá điện tử cho rằng việc "chúng ít độc hại hơn, sạch sẽ, sành điệu hơn...", thế nhưng thực tế thì không phải vậy. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử không hoàn toàn vô hại như nhiều người nghĩ.

WHO khuyến cáo các quốc gia tốt nhất là cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá kiểu mới, còn nếu cho phép thì cần quản lý chặt để hạn chế những ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Người dân cần được hiểu đúng về thuốc lá điện tử. Người nghiện thuốc lá trước hết là do nghiện nicotin. Nicotin chính là chất gây nghiện, nó gây cho người quen sử dụng nó dài ngày sự lệ thuộc bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu. Người nghiện thuốc lá không chỉ nghiện nicotin mà còn nghiện cung cách hút thuốc, tức cách rít hơi thuốc lá, nhả khói, tay kẹp điếu thuốc (sành điệu).

Bên cạnh đó, các hóa chất hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Một số chất phụ gia hương vị như diacetyl, propylen có thể an toàn khi dùng ở số lượng nhỏ nhưng sẽ gây nguy hiểm khi hít phải trong thời gian dài sẽ gây ra một bệnh phổi nghiêm trọng.

Nicotine có trong thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và thậm chí là mắc bệnh về tim mạch. Trên thực tế, nghiên cứu còn cho thấy những người dùng thuốc lá điện tử có khả năng bị đau tim gần gấp đôi so với người không sử dụng.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc pha trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

Ngoài những vấn đề về sức khỏe, thuốc lá điện tử còn gây mất an toàn cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường nhất là loại thuốc lá điện tử dùng một lần. 

Cần được luật hóa

Trên thực tế, những nguy cơ, tác hại của thuốc lá điện tử là rất lớn, cần được quản lý, giám sát chặt. Thế nhưng điều đáng nói, cơ quan quản lý thị trường không thể mạnh tay với thuốc lá thế hệ mới nhập lậu như thuốc lá điếu vì chưa có văn bản chính thức nào quy định rõ việc xử phạt. Việc tịch thu sản phẩm hay xử phạt hành chính không đủ sức răn đe những tay buôn hàng "chợ đen" vì lợi nhuận đem lại từ các sản phẩm nhập lậu này quá lớn, ước tính tới 400%.

Dù thuốc lá điện tử đã xuất hiện nhiều năm ở Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có luật điều chỉnh, quản lý việc buôn bán và tiêu thụ sản phẩm này, dẫn đến tình trạng buôn lậu, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Hệ quả là giới trẻ dễ dàng tiếp cận và sử dụng chúng như một món hàng sành điệu, bất chấp sức khỏe.

Có thể thấy, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) và thuốc lá điện tử cần sớm được luật hóa để tiếp cận đúng đối tượng, như một biện pháp giảm thiểu tác hại cho những người hút thuốc lá trưởng thành lựa chọn tiếp tục hút thuốc chứ không phải dùng để cai thuốc.

Hiện nay, việc quản lý, xử phạt thuốc lá điện tử đang gặp nhiều khó khăn bởi chưa có chế tài riêng mà chỉ xử phạt về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là chủ yếu. Việc xử phạt còn thiếu sức răn đe khiến không ít gian thương cố tình vi phạm.

Hồi tháng 11/2020 Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh loạt bài về tình trạng kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Vape) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định bày bán công khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau khi loạt phóng sự được đăng tải, Báo Pháp luật Việt Nam cũng phối hợp thông tin với Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội, sau quá trình kiểm tra, xác minh, đơn vị này đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử trái quy định, thế nhưng việc chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu sức răn đe khiến không ít cơ sở vẫn ngang nhiên kinh doanh thuốc lá điện tử.

Cụ thể, ngày 25/11/2020 Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử “Se Vape” số 128B Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ 17 chiếc máy dùng hút thuốc lá điện tử; 08 lọ tinh dầu dùng hút thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ, là hàng hóa nhập lâu. Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền: 6.500.000 đồng.

Ngày 26/11/2020, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử “The Vape Pro” số 1C Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ 90 chiếc máy dùng hút thuốc lá điện tử; 10 lọ tinh dầu dùng hút thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ, là hàng nhập lậu. Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền: 8.000.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh trên.

Cơ sở kinh doanh (Vape nhập khẩu) địa chỉ: 17A ngõ Tiến Bộ, Khâm Thiên, Đống Đa. Cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trên. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 26 sản phẩm là máy hút và tinh dầu thuốc lá điện tử. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này. Đội QLTT số 4 đã xử phạt vi phạm hành chính 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cửa hàng kinh doanh (Sẻ Vape), địa chỉ: số 89 Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Ngày 26/11/2020, Đội QLTT số 13 đã phối hợp với Công an phường Quan Hoa để xác minh tại địa chỉ số 89 Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại địa chỉ trên không có biển hiệu “Sẻ Vape”, đang đóng cửa. Đội đã liên hệ theo số điện thoại được ghi trên mặt trước của nhà tại địa chỉ nêu trên, tuy nhiên không có ai nghe máy và trả lời.

Trước đó, ngày 02/6/2020, Đội QLTT số 13 đã kiểm tra đối với cửa hàng trên. Kết quả: Phạt tiền: 6.000.000 đồng đối với hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm là nguyên liệu, phụ kiện thuốc lá điện tử, có trị giá: 9.720.000 đồng.

Theo các chuyên gia, đến nay tại một số nước, trong đó có Việt Nam, việc thiếu luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã vô hình trung tạo điều kiện cho buôn lậu phát triển. Không nguồn gốc, đa phần nhập từ Trung Quốc với kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ vài trăm, thậm chí cho đến vài chục ngàn, rồi phù phép tung hô biến thuốc lá điện tử nhập lậu không rõ nguồn gốc thành sản phẩm cai nghiện thuốc lá. Nếu bị bắt thì chỉ xử phạt hành chính vài triệu đồng và tiêu hủy sản phẩm thì quá nhẹ  so với mức lợi nhuận và tác hại của nó.

Nhận thấy, đã đến lúc các cơ quan, những nhà quản lý sớm xem xét đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào luật hiện hành đối với các sản phẩm đã đủ điều kiện và cần có biện pháp nghiêm minh hơn đối với những tội phạm buôn lậu, không thể để bài ca "phạt, phạt... nhờn luật rồi vẫn kinh doanh". 

Tuấn Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-som-quan-ly-chat-co-che-tai-manh-tay-voi-thuoc-la-dien-tu-d149728.html