Cẩn trọng đầu tư đất ''ăn theo'' Vành đai 4

15/03/2022 07:50

Kinhte&Xahoi Trước thông tin về việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, giá đất tại nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội đã tăng nay lại tiếp tục tăng nhiều hơn so với năm 2021. Nhiều người môi giới nhà đất đã dựa vào thông tin về tuyến đường đi qua để quảng cáo trên mạng xã hội, đẩy giá đất trong khu vực lên cao. Tuy có một số người thu lợi lớn nhờ giá đất "ăn theo" quy hoạch, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cẩn trọng khi đầu tư.

Giá đất tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã tăng mạnh trước thông tin về việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Tiến

"Sốt" đất tại nhiều địa phương

Theo tờ trình UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8km, trong đó có 58,2km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và từ Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức...

Khảo sát thực tế tại huyện Hoài Đức, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận giá đất nơi đây đang tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư dù đã đạt lợi nhuận cao, nhưng vẫn chưa chốt giá bán.

Ông Nguyễn Đức Lợi, một chủ đầu tư bất động sản ở xã Song Phương chia sẻ, ngay khi biết thông tin dự án đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Hoài Đức, đã có rất nhiều nhà đầu tư ở các quận nội thành về địa phương khảo giá để đầu tư. Ông Lợi cũng nắm trong tay tới chục mảnh đất dịch vụ, đã chốt bán được 4 mảnh, lãi gấp 2-3 lần. "Giá đất dịch vụ, đất ở khu dân cư tại xã Song Phương trước chỉ 25-40 triệu đồng/m2, thì nay tăng chóng mặt, có nơi lên tới 55-80 triệu đồng/m2”, ông Lợi cho hay.

Cũng là chủ đầu tư chuyên săn lùng đất theo thông tin dự án, anh Nguyễn Ngọc Thanh ở phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) tiết lộ mới chốt bán một mảnh đất dịch vụ ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), diện tích hơn 90m2, lãi hơn 2 tỷ đồng. Hiện, anh Thanh vẫn còn một số mảnh khác ở xã An Khánh, xã La Phù..., diện tích nhỏ hơn, nhưng vị trí đẹp, chưa chốt giá chuyển nhượng vì cho rằng Hoài Đức đang đầu tư nhiều về hạ tầng giao thông, đặc biệt là sắp tới sẽ có đường Vành đai 4 đi qua, nên bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh. 

Trong khi đó, tại huyện Sóc Sơn, "ăn theo" dự án Vành đai 4, giá giao dịch chuyển nhượng đất cũng "nóng" lên từng ngày. Ông Lê Văn Hùng, ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, nhiều nhà đầu tư đã về địa phương đặt văn phòng tư vấn, tìm mua đất. Cách đây 2 năm, giá đất ở Thanh Xuân chỉ 3-5 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp 2-4 lần. Nhất là những mảnh nằm ven đường 35 hiện có giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại địa bàn huyện Đan Phượng, giá đất tại các xã: Song Phượng, Đồng Tháp, Thượng Mỗ... cũng tăng hơn 10 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2021.

Hiện mỗi ngày Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - huyện Hoài Đức tiếp nhận 50-80 hồ sơ đất đai, trong đó có hơn 30% hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trước sự sôi động của thị trường bất động sản "ăn theo" dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Ngô Xuân Trường cho biết, đã có nhiều hộ dân trong xã "đổi đời" nhờ đất tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, lựa chọn vị trí đất có đủ thủ tục pháp lý để tránh xảy ra tranh chấp, thiệt hại sau này.

Còn theo tổng hợp của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - huyện Hoài Đức, mỗi ngày bộ phận "một cửa" của Văn phòng tiếp nhận 50-80 hồ sơ đất đai, trong đó có hơn 30% hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho rằng, người dân cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất, kiểm tra nguồn gốc, căn cứ pháp lý rõ ràng để tránh bị thiệt hại về kinh tế khi xảy ra tranh chấp.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông sẽ đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận, tuy nhiên việc đầu tư vào khu vực này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi vì các dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian dài. Hơn nữa, cần khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ quy hoạch, vị trí đất có tính thanh khoản. Bởi bài học về đầu tư đất tại hai bên đường Đại lộ Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị: Do hai bên đường được rào lại, không cho các phương tiện đỗ để bảo đảm an toàn giao thông nên bất động sản khu vực này giảm sâu so với thời điểm trước khi xây dựng tuyến đường.

Các chuyên gia bất động sản cũng cảnh báo, dù tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới… Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”.

 Dương - Dung - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/1026949/can-trong-dau-tu-dat-an-theo-vanh-dai-4