"Cát tặc" làm đau đầu Đại biểu HĐND TP Hà Nội

09/12/2020 08:16

Kinhte&Xahoi Tại kỳ họp thứ 18, HĐND Tp Hà Nội, vấn đề "cát tặc" đã làm "nóng" nghị trường.

Ngày 8/12, tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề được cử tri quan tâm.

Rất nhiều tàu hút cát tập trung ở khu vực các xã Trung Hà, Phong Vân, Cổ Đô (huyện Ba Vì). Ảnh chụp tháng 11/2020, tinnhanhchungkhoan.vn

Cụ thể, hai nhóm vấn đề được chất vấn ngay tại hội trường gồm: Công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông; việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là những lĩnh vực các cấp, các ngành chưa có các biện pháp hữu hiệu để quản lý.

Qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy, đây là vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh. Do đó, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội lựa chọn hai nhóm vấn đề trên để chất vấn là xuất phát từ thực tiễn của công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đồng thời cũng là đáp ứng yêu cầu cử tri và dư luận quan tâm.

Đáng quan tâm nhất đó là vấn đề "cát tặc" đã làm "nóng" nghị trường HĐND thành phố Hà Nội với nhiều câu hỏi của đại biểu gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương liên quan.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức chất vấn Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về việc thành phố còn 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thành phố đã có quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh, nhưng đến nay việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết nguyên nhân, giải pháp xử lý?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết, qua điều tra cơ bản, trên địa bàn thành phố còn 13 điểm phức tạp liên quan đến khai thác cát. Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động khai thác cát, khoáng sản có hiệu lực; 8 tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng.  Về bãi tập kết, hiện trên địa bàn thành phố có 207 bãi tập kết kinh doanh khoáng sản đang hoạt động. Trong đó, 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động tại 15 quận, huyện.

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cần quản lý chặt chẽ đối với các phương tiện khai thác cát trái phép vì không có phương tiện thì không thể khai thác được. Công an thành phố Hà Nội đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải về việc tăng cường xử lý phương tiện vi phạm đăng kiểm và gửi 25 kiến nghị đến các sở, ban, ngành, giải quyết các bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể các bến sông.

Từ nhiều tháng nay, các tàu hút cát đã hoạt động nhộn nhịp bất kể ngày đêm trên lòng sông đoạn từ cầu Trung Hà đến cầu Văn Lang (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh chụp tháng 11/2020, Ảnh tinnhanhchungkhoan.vn

Cụ thể hơn, đại biểu Dương Thị Hằng thẳng thắn nêu câu hỏi gửi Chủ tịch UBND xã Xuân Đình và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ về trách nhiệm của chính quyền địa phương và biện pháp xử lý vấn nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra trên địa bàn.

Tương tự, tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra tại 6 xã ven sông Hồng, đại biểu Trần Thị Vân Hoa đề nghị Chủ tịch UBND và Trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và giải pháp trong thời gian tới?

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu phản ánh trình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Xuân Đình (Phúc Thọ, Hà Nội), lãnh đạo UBND xã Xuân Đình thừa nhận: Cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã cơ bản chấm dứt, nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến, khai thác vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn... Những đêm gần đây vẫn có một đến hai tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4-5 giờ sáng.

Các đối tượng khai thác một đến hai ngày lại nghỉ. Bên cạnh đó, các tàu hút cát của những đối tượng này thường hoạt động giữa dòng sông Hồng, trong khi Công an huyện, Công an xã không được trang bị phương tiện chuyên dụng, rất khó để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.

"Chúng khai thác 1-2 ngày lại nghỉ, và việc khai thác cát giữa dòng sông Hồng, công an huyện và xã không được trang bị lực lượng và phương tiện chuyên dụng để có thể ngăn chặn triệt để", ông Nguyễn Xuân Tín - Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho hay.

Trước tình trạng trên, người đứng đầu chính quyền xã Xuân Đình nhấn mạnh, nhân dân trên địa bàn rất bức xúc, giai đoạn 2018-2019, Chủ tịch xã rất áp lực. Nhân dân mua trống, mua kèn, bật đèn để đuổi cát tặc. Không đuổi được thì mang vào nhà Chủ tịch xã gõ nên rất áp lực.

"Vừa rồi chúng tôi cảm ơn công an thành phố, chứ nếu không thì không dập được tình trạng này. Sông Hồng chảy qua địa bàn xã rất đẹp, như con gái 18, nên cát tặc cứ nhòm ngó ngày đêm", vị này nói thêm.

Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định, tình trạng khai thác trái phép như công trường vào ban ngày đã chấm dứt, song vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép vào buổi đêm.

Cũng theo ông Tuấn, Phúc Thọ giáp ranh với Vĩnh Phúc, hiện địa giới hành chính trên sông chưa được xác định, nên vẫn có tình trạng tàu thuyền ban ngày đỗ ở bên Vĩnh Phúc, ban đêm sang Phúc Thọ để hút cát sỏi.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, bản thân Chủ tịch huyện đã cùng lực lượng công an trực tiếp đi kiểm tra. Với sự phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý, hiện nay việc khai thác cát trên địa bàn huyện đến nay giảm rất nhiều. Những người khai thác cát chủ yếu gia đình khó khăn, việc truy tố cũng gặp khó khăn, huyện đã mời các cơ quan tư pháp của TP vào cuộc.

Theo đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, các đối tượng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, hay lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối, rạng sáng để khai thác, thuê người cảnh giới lực lượng chức năng từ xa.

"Công an sẽ nhận trách nhiệm bắt giữ các trường hợp khai thác trái phép. Còn bến bãi là thuộc trách nhiệm của Sở TNMT và các địa phương. Đề nghị tăng cường xử lý phương tiện vi phạm liên quan vấn đề khai thác cát sỏi. Phối hợp, quy trách nhiệm từng đơn vị một, thì sẽ giải quyết dứt điểm được các tồn tại", đại tá Nguyễn Thanh Tùng nói.

(Tổng hợp theo Danviet.vn; Bnew.vn)

 Nhã An - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cat-tac-lam-dau-dau-dai-bieu-hdnd-tp-ha-noi-d142917.html