Chi hàng triệu đồng mua “nốt” thông quan nông sản

05/05/2020 18:00

Kinhte&Xahoi Theo điều tra của phóng viên Lao Động tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), nhiều tài xế chở nông sản từ các tỉnh phía Nam phản ánh, muốn được thông quan sớm, họ phải chấp nhận bỏ ra ít nhất 3 triệu đồng để mua “nốt” vào bãi chính. Số tiền này được cho là tiền “bôi trơn” để được xuất hàng đi nhanh. Nếu không xe cứ phải nằm bãi phụ mà chờ, không biết bao lâu mới vào được bãi chính.

Trăm dâu đổ đầu... tài xế

Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) một ngày cuối tháng tư, ngoài trời sầm sập mưa mù. Một nhóm tài xế chở nông sản từ phía Nam ra ngồi xổm ăn trưa dưới gầm xe container. Hoà lẫn tiếng mưa rơi hắt vào dưới gầm xe - nơi các tay lái đường dài đang ăn trưa nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, là câu chuyện cay đắng do chính họ kể lại.

Người tự xưng là nhân viên Công Ty Tân Hưng Thịnh (bên phải) thu tiền vào bãi chính của tài xế là 3 triệu đồng/xe. Ảnh: PV

Hưng (25 tuổi, Quảng Nam) chở nông sản cho một công ty ở Bình Thuận ra cửa khẩu Kim Thành tâm sự: “Đợt dịch này, tổng các loại phí để xuất 1 “công” hàng là khoảng hơn 18 triệu đồng, trong khi ngày thường chưa đến 6 triệu. Chuyến này coi như huề vốn, không được đồng nào”. 

Rồi Hưng bật ngón tay liệt kê tường tận các khoản phí phải đóng. Quá nửa trong đó là những khoản phí... miệng. Nghĩa là không có hóa đơn, chứng từ.

Nhiều tài xế phản ánh phải đóng 50 - 100 nghìn đồng/ xe chỉ để lấy phiếu số thứ tự chờ vào bãi chính. Ảnh LN 

Theo đó, ngay sau khi xe hàng có mặt tại cửa khẩu Kim Thành, các tài xế phải “lót tay” số tiền 50.000 đồng cho lực lượng chốt gác để lấy số thứ tự (số tài) vào bãi chính. Nếu xe tới ban đêm, số tiền tăng gấp đôi lên 100.000 đồng. Lái xe sau đó được hướng dẫn đậu xe vào một bãi tư nhân cách cửa khẩu chừng 200m.

Khoảng 4-5 ngày nằm dài chờ đợi ở bãi phụ, các tài xế sẽ được gọi vào bãi chính nằm sát cạnh cửa khẩu. Thông thường, nếu không gặp sự cố đáng kể, thời gian từ lúc vào bãi chính đến lúc xuất hàng không quá 24 giờ. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng có may mắn này nếu không chịu nộp một khoản phí được gọi là mua “nốt” bãi chính. 

Tài xế Thành cũng cho biết bị thu số tiền 3 triệu đồng để được dẫn xe vào bãi chính.

Phải chi 3 triệu mới xuất được hàng

Hưng kể, sau 4 ngày chờ đợi (từ ngày 19.4) đến ngày 23.4, Hưng nhận được điện thoại của nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Tân Hưng Thịnh (đối tác chuyên làm dịch vụ giấy tờ xuất khẩu cho xe qua Trung Quốc) nói xe của anh đã đến lượt vào bãi chính chờ xuất hàng.

Do dịch, phía Trung Quốc không cho tài xế Việt Nam nhập cảnh nên các lái xe phải bỏ tiền thuê lái xe nước bạn đồng thời thuê luôn đầu kéo của Trung Quốc để kéo hàng qua cửa khẩu. 

Sau khi bàn giao “công” hàng thành công thì nhân viên của Công ty Tân Hưng Thịnh cũng thông báo luôn tổng số tiền dịch vụ là khoảng 18 triệu đồng, gồm: 3 triệu tiền mua “nốt” bãi chính; 8 triệu thuê xe đầu kéo trong 48h (quá 48h thì đóng thêm 2 triệu/ngày); 1 triệu tiền dẫn xe (đi nhanh hơn, không phải xếp thứ tự); 4,5 triệu thuê tài xế Trung Quốc và bốc xếp hàng; 2 triệu tiền thủ tục thông quan, hàng hoá...

Theo giải thích của tài xế này, ngoài những khoản dịch vụ “có thể hiểu được” thì khoản phí mua “nốt” chính là khoản khiến các tài xế nông sản bức xúc nhất, giống kiểu bắt chẹt nhưng chẳng biết kêu ai.

Hưng kể: “Nhân viên công ty Tân Hưng Thịnh nói đây là số tiền “bôi trơn” để được xuất hàng đi nhanh. Nếu không cứ phải nằm bãi phụ mà chờ, không biết bao lâu mới vào được bãi chính”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nhiều tài xế chở nông sản từ các tỉnh phía Nam ra cũng xác nhận phải mất khoản phí kể trên. Tùy đối tác làm thủ tục mà số tiền có thể từ 3 đến 6 triệu đồng.

Tài xế Thành (45 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) kể: “Tôi thường làm thủ tục qua công ty T.L. Trước dịch, họ chỉ thu hơn 2 triệu đồng phí làm thủ tục xuất nhập khẩu nhưng nay họ lại yêu cầu thu thêm 3 triệu tiền mua “nốt” bãi chính. Họ nói nếu không đóng khoản này thì xe phải nửa tháng mới xuất được hàng. Mình sợ đợi lâu thanh long hỏng hết nên phải “ói” tiền ra thôi”, tài xế Thành nói.

Khi được hỏi, các tài xế cho biết, cũng chỉ được các công ty giải thích chung chung đây là tiền “luật” để được ưu tiên đưa xe từ bãi phụ vào vào bãi chính. Vấn đề ở chỗ, khoản tiền này không khác gì kiểu bắt chẹt vì các tài xế chủ yếu là người tỉnh xa, xe lại chở nông sản (không chờ đợi được lâu) nên buộc phải chi tiền để hàng được thông quan nhanh chóng...

 Nhóm “cò” bên trong cửa khẩu Kim Thành. 

Trong vai tài xế, PV Báo Lao Động được nhóm “cò” xếp “nốt” tại cửa khẩu Kim Thành tiết lộ, thời điểm dịch giã này, để sắp xếp cho xe vào bãi chính tuy không đơn giản nhưng nếu chịu chi thì vẫn làm được. Có công ty vẫn sắp xếp được cho rất nhiều xe vào bãi chính để xuất hàng đi sớm.

“Em nói với anh giờ kể 4 triệu hay 5 triệu cũng không quan trọng. Anh cứ để xe ngoài bãi phụ 1 ngày nguyên tiền chạy dầu các thứ đã hết một triệu, sao mà cứ phải nhì nhằng”, một “cò” nói. 

Khi chúng tôi hỏi, “số tiền đó là để chung chi cho bên nào”, “cò” tỏ ra thận trọng: “Bên nào anh không cần biết. 1 - 2 triệu anh đừng có so đo làm gì”...

 “Tiền này sao có hoá đơn được”

Thắc mắc về số tiền 3 triệu mua “nốt” bãi chính, tài xế Hưng đã đến trụ sở của công ty Tân Hưng Thịnh (nằm bên trong cửa khẩu Kim Thành) để hỏi cho ra nhẽ.

Dưới đây là cuộc hội thoại mà phóng viên Lao Động được chứng kiến:

Tài xế Hưng: Chị ơi, hôm trước cái tiền 3 triệu bảo đóng là tiền gì nhỉ?

Nhân viên công ty Tân Hưng Thịnh: Tiền vào cổng chứ tiền gì.

Tài xế Hưng: Tiền này bắt buộc phải đóng không?

Nhân viên công ty Tân Hưng Thịnh: Nếu muốn vào nhanh thì phải đóng, nếu tự vào thì phải chờ.

Tài xế Hưng: Sao tiền này lại không có hoá đơn?

Nhân viên công ty Tân Hưng Thịnh: Tiền này làm sao có hoá đơn được. Em không tin thì hỏi trực tiếp nhân viên nào hôm đó xin được cho xe của em vào bãi chính đi nhé.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://laodong.vn/kinh-te/chi-hang-trieu-dong-mua-not-thong-quan-nong-san-802782.ldo