Chợ online – "Thủ phủ" của thực phẩm chức năng giả

03/07/2020 09:46

Kinhte&Xahoi Vì lợi nhuận, những kẻ táng tận lương tâm đang sử dụng những trang mạng truyền thống và những trang web bán hàng trực tuyến như một công cụ hữu ích để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có mặt hàng thực phẩm chức năng.

Thông tin bất ngờ 

Vào tối thứ 2 của ngày Prime Day – một trong những ngày hội mua sắm thường niên lớn của Amazon, cô Anne Marie Bressler nhận được một email từ Amazon. Đó là tin nhắn được gửi từ một địa chỉ email tự động, thông báo với Bressler rằng các thực phẩm chức năng (TPCN) hiệu Align mà cô đặt mua 2 tuần trước có lẽ là giả mạo.

“Nếu bạn vẫn còn sản phẩm này, chúng tôi khuyên bạn nên ngừng sử dụng sản phẩm ngay lập tức và vứt bỏ sản phẩm đó”, email nhấn mạnh và thông báo thêm rằng Bressler sẽ được hoàn lại tiền đầy đủ. Amazon xác nhận rằng họ đã gửi bức email thông báo nói trên nhưng từ chối cho biết cụ thể số lượng khách hàng bị ảnh hưởng. 

Trong nhiều năm, Amazon đã phải vật lộn đấu tranh với những người bán bên thứ 3 – những người rao bán mọi thứ từ dây sạc iPhone cho đến áo bóng đá trên trang web của họ. TPCN cũng là một mục tiêu phổ biến khác cho hàng giả vì nó là một ngành công nghiệp không được kiểm soát.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bị nhiều người chỉ trích vì đã từ chối xét nghiệm các TPCN để đảm bảo an toàn và hiệu quả của các sản phẩm này theo quy trình tương tự như dược phẩm. 

Trên nhiều trang mạng, TPCN rởm nhưng được quảng cáo như thần dược, thậm chí chữa được cả ung thư. 

Trong trường hợp của cô Bressler, một thương gia trên Amazon đã bán sản phẩm giả của men vi sinh chính hãng do Align - một nhãn hiệu của Procter & Gamble - sản xuất. Người phát ngôn của Procter & Gamble sau đó xác nhận có biết thông tin về việc một số sản phẩm Align giả đã được bán trên Amazon thông qua các bên thứ 3 còn Amazon cho biết đã ngừng bán sản phẩm Align cho bên thứ 3 và chỉ bán sản phẩm Align nhận trực tiếp từ các cơ sở sản xuất của P & G. 

Trong một tuyên bố, một người phát ngôn của Amazon khẳng định công ty áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn và phát hiện hàng giả, hàng nhái đồng thời điều tra mọi khiếu nại của người dùng về khả năng mua phải hàng giả một cách triệt để. Amazon cũng khẳng định luôn hành động nhanh chóng khi phát hiện dấu hiệu có người bán hàng bất hợp pháp, bao gồm loại bỏ mặt hàng được bày bán, cấm vĩnh viễn các gian hàng xấu, theo đuổi hành động pháp lý và làm việc với cơ quan thực thi pháp luật khi thích hợp. 

Có điều, Amazon không trả lời câu hỏi về việc liệu họ có tiến hành xét nghiệm với loại men vi sinh giả đã bị phát hiện hay không, khiến Bressler và các khách hàng khác tự hỏi rằng liệu họ có thể đã ăn phải thứ gì đó nguy hiểm hay không. Theo FDA, các TPCN đôi khi có chứa các loại dược phẩm theo toa như steroid hoặc thuốc chống trầm cảm, có thể gây hại nếu một người dùng chúng mà không nhận thức được nó. 

Ngay cả khi thuốc Align giả mà Ama¬zon bán ra có hại, Bressler và những người mua khác có thể cũng không có nhiều lựa chọn để truy đòi công lý đối với công ty. Trong nhiều trường hợp như vậy, các công ty đã tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng Mục 230 của Đạo luật về Thông tin về Truyền thông. Được thông qua vào năm 1996, Đạo luật này bảo vệ các công ty bán hàng trực tuyến khỏi gần như mọi trách nhiệm đối với những gì người bán hoặc người dùng đăng trên trang web của họ. 

Amazon vừa là nhà bán lẻ vừa là thị trường của bên thứ 3. Họ mua một số sản phẩm trực tiếp từ các nhà sản xuất và bán chúng đồng thời cho phép các thương nhân độc lập cung cấp hàng hóa của họ trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhưng ranh giới giữa 2 phần kinh doanh này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Và không giống như trên eBay, Etsy hoặc các thị trường trực tuyến khác, một danh sách sản phẩm của Amazon có thể có hàng hóa từ hàng chục người bán độc lập, khiến người tiêu dùng khó hiểu được họ mua sản phẩm từ ai. 

Chính những việc này khiến nhiều người cho rằng việc xác định trách nhiệm của Amazon với hàng hóa trên web của họ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm Mỹ trong một phán quyết năm 2019 cho rằng trên thực tế, những loại hình bán hàng khác biệt này khiến Amazon trong một số trường hợp phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm độc hại được bán bởi người bán bên thứ 3. 

Có ý kiến cho rằng có vẻ như người khổng lồ này đã trở nên quá lớn và không thể kiểm soát được hết hàng hóa của mình. Trong một bài báo đăng năm 2019 của Forbes có tên “Amazon.com: Nơi giấc mơ của người Mỹ bị đánh cắp bởi những kẻ giả mạo Trung Quốc”, các nhà báo đã phát hiện ra rằng 25% hàng hóa trên thị trường Amazon trên là hàng nhái của Trung Quốc. 

Lợi nhuận khổng lồ

Các “chợ” trực tuyến hay các trang mạng xã hội đang ngày càng trở thành nơi thuận lợi để các đối tượng phạm tội bán TPCN giả. Hôm đầu năm, Cục xuất nhập cảnh Thái Lan đã ra thông báo về một vụ việc nghiêm trọng. Theo đó, cảnh sát Thái Lan cho biết đã nhận được thông báo về việc một người đàn ông 32 tuổi người Trung Quốc tên Qingli đã bỏ trốn sang Thái Lan sau khi bị truy tố về tội bán TPCN giả. 

Theo giới chức Trung Quốc, nghi phạm đã bán TPCN giả thông qua ứng dụng trực tuyến We Chat tại Trung Quốc. Nhiều nạn nhân tại Trung Quốc đã tin người này và mua sản phẩm do anh ta bán để dùng. Tất cả các nạn nhân từng mua sản phẩm của Qingli và sử dụng đều ngã bệnh và phải đưa đến bệnh viện điều trị. Các nạn nhân đã trình báo vụ việc với cảnh sát Trung Quốc. 

Cảnh sát sau đó đã gửi sản phẩm TPCN của Qingli tới phòng thí nghiệm hóa học của lực lượng này để kiểm tra. Kết quả cho thấy, trong sản phẩm này chứa rất nhiều chất độc và các thành phần được chiết xuất không đạt tiêu chuẩn với TPCN. Cảnh sát đã ngay lập tức ra thông báo về vụ việc. Băng nhóm của Qingli đã bị bất giữ ngay lập tức nhưng trùm sò trong vụ việc đã nhanh chân bỏ trốn sang Thái Lan. Cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan đã bắt giữ Qingli và tiến hành các thủ tục để truy tố người này theo luật pháp. Song, vì hắn không có visa hợp pháp tại Thái Lan nên đã bị bàn giao lại cho cảnh sát Trung Quốc sau đó. 

Trước đó, năm 2018, cảnh sát ở miền nam Trung Quốc đã thu giữ số sản phẩm giả, bao gồm một lượng lớn rượu vang, vitamin, thực phẩm và mỹ phẩm nổi tiếng của Australia, trị giá lên tới hơn 30 triệu nhân dân tệ (6,3 triệu USD). Trong đó, trong 2 chiến dịch đột kích riêng biệt, cảnh sát đã tịch thu hàng loạt các loại TPCN của 2 hãng Swisse và Blackmores, cùng nhiều sản phẩm khác.

Cảnh sát tỉnh Quảng Đông trong một tuyên bố cho biết triệt phá 4 băng nhóm tội phạm, với 22 nghi phạm. Cảnh sát cho biết, các nhóm tội phạm nói trên đã đăng ký thành lập các công ty khác nhau để bán hàng giả, đôi khi là các lô hàng giả được cho vào trong các vỏ chai thật để đánh lừa người tiêu dùng, chủ yếu thông qua các trang web thương mại điện tử và các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm WeChat. 

Tờ báo địa phương The Southern Metropolis Daily dẫn lời cảnh sát Quảng Đông cho biết, các nhóm tội phạm đã sử dụng các dòng tag như bán hàng trực tiếp ở nước ngoài cho các sản phẩm từ Australia, chuyển hàng trực tiếp qua đường bưu điện từ nước ngoài về và mạo danh cửa hàng nhượng quyền thương mại của các nhãn hàng nổi tiếng để thu hút khách hàng.

Cảnh sát cho biết thêm rằng một số sản phẩm giả đem về cho những đối tượng phạm tội khoản lợi nhuận khoảng 1.000 % mặc dù chúng bán sản phẩm với giá giảm 50% so với sản phẩm thật.

  Minh Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cho-online-thu-phu-cua-thuc-pham-chuc-nang-gia-d128555.html