Cho phép các dịch vụ không thiết yếu mở cửa trở lại: Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

11/05/2020 11:56

Kinhte&Xahoi Ngày 7-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, karaoke) và phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 9 và 10-5, bên cạnh các cơ sở kinh doanh nghiêm túc chấp hành quy định, vẫn còn không ít cơ sở, nhất là cửa hàng ăn uống chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch.

Tại phố Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng), nhiều cửa hàng ăn, uống bày bàn ghế dọc vỉa hè để bán hàng, ngày 9-5. Ảnh: Bảo Dung

Nhiều nơi chuyển biến tích cực

Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch như chuẩn bị nước sát khuẩn, sắp xếp không gian văn minh, sạch sẽ... Điển hình là nhà hàng ẩm thực Mirai số 29 Liễu Giai (quận Ba Đình) đã đo thân nhiệt, trực tiếp xịt nước sát khuẩn cho khách. Chị Lê Thu Trang, ở phố Đào Tấn (quận Ba Đình) cho biết, chị khá yên tâm với quy trình phòng dịch của nhà hàng. Trong giai đoạn này, việc lựa chọn được một nhà hàng, quán ăn an toàn, văn minh là rất quan trọng.

Tương tự, tại tuyến phố ẩm thực Duy Tân (quận Cầu Giấy) các cửa hàng kinh doanh ở đây thực hiện khá nghiêm các quy định phòng dịch. Tại quán Hoàng Bèo, số 30 phố Duy Tân, các bàn ăn được lau dọn sạch sẽ, luôn có nước rửa tay sát khuẩn; nhân viên và chủ quán thường xuyên đeo khẩu trang. Ngoài ra, quán ăn Ngon 3 miền, 81 Duy Tân; nhà hàng Ngan phố, 60 Duy Tân… có khu vực chế biến riêng, thực phẩm đều được để trong quầy kính để bảo đảm vệ sinh… Ngoài ra, xe của khách đến khu vực này được xếp gọn gàng. hầu như không ảnh hưởng đến việc đi lại trên vỉa hè của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), UBND phường đã yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ký cam kết thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong chế biến thực phẩm và tiếp xúc với khách hàng; bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống. Đặc biệt, phường yêu cầu các cửa hàng phải cam kết có giấy khám sức khỏe định kỳ và giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm đối với chủ cơ sở và nhân viên...

Trong khi đó, UBND phường Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) tổ chức cho các cửa hàng không thiết yếu trên địa bàn dán thông báo: "Cửa hàng mở cửa từ 9h hằng ngày" theo chỉ đạo tại Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND thành phố. Hầu hết các cửa hàng đã chấp hành quy định, người dân cũng tuân thủ nguyên tắc.

Chấn chỉnh hiện tượng chủ quan, lơ là

Ngược với những chuyển biến tích cực nêu trên, tình trạng chủ quan, lơ là như không đeo khẩu trang, không sử dụng nước sát khuẩn vẫn khá phổ biến. 8h sáng ngày 10-5, quán phở Việt tại 91 đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) rất đông khách nhưng không bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Đa số nhân viên ở đây đều không đeo khẩu trang. Khi được hỏi, chị Nguyễn Hải Yến, một khách hàng tại đây cho biết: “Tôi là khách quen của quán nhiều năm nay. Phở ở đây khá ngon, nhưng tôi cũng cảm thấy lo ngại vì quán không có nước rửa tay sát khuẩn, nhân viên và khách đều không đeo khẩu trang”.

Còn tại quán bún bò Nam Bộ, 306 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), vỉa hè biến thành quán ăn, chủ quán bán hàng mà không đeo khẩu trang; khách tìm “đỏ mắt” cũng không thấy dung dịch rửa tay sát khuẩn. Tương tự, tại phố Hoa Lư, Thái Phiên… (quận Hai Bà Trưng), nhiều cửa hàng ăn uống bày bàn ghế dọc vỉa hè, khiến người dân rất khó khăn khi muốn đi trên vỉa hè. Các quán ăn rất đông khách nhưng nước rửa tay sát khuẩn trở thành “đồ hiếm”.

Trao đổi về vi phạm trên địa bàn, ông Chử Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết, trên địa bàn phường có gần 500 cơ sở kinh doanh. Trong đó, các hàng quán ăn uống tuy ít nhưng lại tập trung đông khách, nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch. UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, nhắc nhở các cửa hàng trang bị nước rửa tay sát khuẩn, nhắc khách hàng thực hiện phòng dịch hiệu quả. Đồng thời phường sẽ thành lập đội phản ứng nhanh thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, UBND quận đã yêu cầu các phòng, ban, UBND 18 phường bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; lực lượng chức năng các phường thường xuyên tuần tra, kiểm soát đột xuất việc thực hiện đeo khẩu trang phòng dịch, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách hàng…, đặc biệt tại các quán cà phê, ăn uống - vốn có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài thông tin: UBND quận quán triệt nghiêm đến các cấp cơ sở phải rà soát, nhắc nhở 5.000 cửa hàng trên địa bàn phải tuân thủ phòng dịch trong tình hình mới một cách nghiêm túc nhất. Đây cũng là dịp tốt để các chủ cửa hàng nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch, vừa tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thành thói quen, nền nếp bán hàng văn minh. Với những hàng quán không tuân thủ phòng, chống dịch, gây cản trở giao thông trên vỉa hè như Báo Hànộimới phản ánh, quận sẽ xử lý.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan; nới lỏng nhưng không lơi lỏng. Đây vừa là nhiệm vụ của các cấp, ngành chức năng, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân cần thực hiện nghiêm để công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt được thắng lợi. Đồng thời, bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bị khống chế diễn ra liên tục cũng như tạo nên thói quen văn minh mới nơi hàng quán và cho người tiêu dùng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/967039/cho-phep-cac-dich-vu-khong-thiet-yeu-mo-cua-tro-lai-noi-long-nhung-khong-loi-long?fbclid=IwAR3ctDzd4HbzJBABzc9CDKQrYxql_i8W0_3AYp7OkXisvHeP0-T0RT4ZBQg