Chống dịch Covid-19: Lơ là dễ "vỡ trận" nên không thể chủ quan, mất cảnh giác

14/04/2020 10:43

Kinhte&Xahoi Chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16 và các quyết sách thời gian tới.

Thủ tướng lưu ý “chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác” - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước có nhiều biện pháp cương quyết về cách ly xã hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp trong Chỉ thị 15, 16. Nhân dân cũng cơ bản ủng hộ.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mấy ngày qua, có sự lơi lỏng hơn, người ra nơi công cộng nhiều hơn so với những ngày trước đó. Một số cửa hàng, cửa hiệu thực hiện chưa nghiêm, vẫn mở cửa bán hàng mà đáng lẽ ra thuộc diện đóng cửa.
Trong khi cả nước, đặc biệt là ngành y tế và các cơ quan liên quan tích cực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhưng tình hình lây nhiễm vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây.

Thủ tướng lưu ý: Chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên là bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơi lỏng, dễ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công suốt mấy tháng qua.

Thủ tướng nhắc lại những nguyên tắc như khóa chặt từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch nhanh ở bên trong. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép mở theo quyết định của Chủ tịch UBND địa phương.

Thủ tướng lưu ý “chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác” - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý khẩn trương thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn chỉnh và đưa vào ứng dụng phần mềm giám sát, truy vết đối tượng.

Nhấn mạnh chủ trương hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam có lộ trình chặt chẽ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần ngăn chặn tối đa nguồn lây từ nước ngoài.

Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ chống dịch cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề trên tinh thần nước ta đã có đủ nhu cầu dự trữ.

Các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn.

Thủ tướng biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia ngày đêm phân tích dữ liệu, đáp ứng kịp thời tìm kiếm, truy vết các ca bệnh, đối tượng liên quan cũng như sản xuất thiết bị để phục vụ xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc học và thi của các trường, các cấp; Bộ Công an, đặc biệt là công an các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia (tính đến 12h ngày 13/4), thế giới ghi nhận 1.853.183 trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; 114.248 trường hợp tử vong. Mỹ đang là tâm điểm của dịch COVID-19, với số mắc và tử vong cao nhất trong số 212 quốc gia có dịch.

Tại Việt Nam, tới chiều 13/4, ghi nhận 265 trường hợp mắc; có 144 trường hợp đã khỏi bệnh; 116 bệnh nhân đang được điều trị tại 14 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), riêng bệnh nhân phi công người Anh tiên lượng nặng và rất khó khăn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chong-dich-covid19-lo-la-de-vo-tran-nen-khong-the-chu-quan-mat-canh-giac/850426.antd