Giá bán vẫn... tăng
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bùi Xuân Dũng cho biết, trong quý đầu năm 2021, phân khúc căn hộ chung cư, gồm: Căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp và căn hộ cao cấp đều ghi nhận có sự tăng giá, đặc biệt là dòng sản phẩm bình dân có mức tăng cao nhất.
Cụ thể, căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại các đô thị lớn, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm; các dự án dạng này trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu/m2 đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2.
Những vướng mắc về quy định của luật đang cản trở các dự án nhà ở thương mại phát triển.
Đối với căn hộ chung cư trung cấp: Tại Hà Nội đa số dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp, và có giá bán dao động từ 30 triệu đồng đến trên 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm… Tại TP Hồ Chí Minh, chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội, dao động khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2.
Với căn hộ cao cấp: Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án mới được đầu tư xây dựng với chất lượng cao, trang thiết bị hạng sang thiết lập mức giá rất cao, như: Chung cư cao cấp The Nine - Phạm Văn Đồng có giá khoảng 50 triệu đồng/m2, chung cư The Matrix one có giá 55 - 60 triệu đồng/m2, dự án D’.Le Roi Soleil - Quảng An có giá khoảng 80 triệu đồng/m2, dự án Grandeur Palace Giảng Võ có giá khoảng 80 triệu đồng/m2…; dự án chung cư The Tresor – quận 4 có giá khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2, dự án Saigon Royal - quận 4 có giá khoảng 90 triệu đồng/m2, dự án chung cư Sadora - quận 2 giá khoảng 70 triệu đồng/m2...
“Thị trường căn hộ hạng sang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận có những dự án tại vị trí "vàng" với mức giá trên 100 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án mức giá xấp xỉ 300 triệu đồng/m2. Nhìn chung, trong quý I giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo từng tháng, do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5 - 10% so với quý IV/2020” – ông Bùi Xuân Dũng thông tin.
Quy định cản trở doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, trong thời gian gần đây việc cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại bị giảm sút mạnh, là do một số quy định đang “cản trở” sự phát triển bình thường của thị trường BĐS, như: Tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định sửa đổi, bổ sung 99/2015/NĐ-CP không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư, dù việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013. Quy định của pháp luật về nhà ở về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Quá trình đề xuất, xem xét xử lý các bất cập, vướng mắc pháp luật đối với dự án có đất ở và các loại đất khác hoặc có các loại đất khác, không phải là đất ở...
“Chúng tôi cho rằng vướng mắc lớn bắt nguồn từ Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP) cần sớm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm xem xét và có giải pháp xử lý, liên quan đến việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại... sự thiếu đồng bộ, thống nhất dẫn đến việc cơ quan quản lý Nhà nước khó khăn trong việc cấp phép cho các dự án” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Doãn Thành - Theo KTĐT