Chuyện những người bị cách ly tại gia vì virus corona ở Hà Nội

10/02/2020 16:19

Kinhte&Xahoi Gần nửa tháng ở trong 4 bức tường, cách ly với cuộc sống bên ngoài nhưng nhờ sự hỗ trợ, động viên từ phía gia đình, cơ quan đoàn thể địa phương, những người đang cách ly để phòng dịch luôn giữ được tinh thần lạc quan, ý thức trách nhiệm cho bản thân và cộng đồng.

Cán bộ y tế vận động người dân cách ly tại nhà ảnh: T. Hoàng

Anh W.L.L quốc tịch Trung Quốc ở trong căn hộ thuộc chung cư quận Cầu Giấy (Hà Nội) gần 10 ngày nay. Từ khi về nước ăn Tết và quay về Việt Nam, anh thuộc diện cách ly vì đến từ vùng dịch. Mặc dù không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, nhưng để đảm bảo an toàn, anh buộc cách ly 14 ngày để theo dõi tại nhà.

Từ khi biết có người Trung Quốc cách ly ở chung cư, hàng xóm xung quanh căn hộ anh W.L.L ở đều dọn đi, họ chọn cách di dời để đảm bảo an toàn cho gia đình. Thậm chí, cả tầng nơi anh W.L.L sống cũng vắng lạ thường, ít người lui tới. Có chăng chỉ là người thân, vài cơ quan y tế, đoàn thể địa phương đến thăm nom, kiểm tra sức khỏe và đưa đồ ăn.

Cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với người bạn biết tiếng Trung của tôi giúp anh W.L.L cảm thấy phấn chấn hơn. Anh cho biết hằng ngày đều nhận được những cuộc gọi hỏi thăm từ các tổ chức địa phương. “Lúc đầu về Hà Nội, mọi người luôn cảnh giác, nghi ngờ, thậm chí đứng tránh xa tôi. Thế nên việc tôi ở trong nhà cũng giúp những người xung quanh yên tâm hơn”, anh L nói.

Anh Q là một người Việt Nam đã đi về từ vùng dịch gần 20 ngày, dù đã hết thời gian cách ly tại nhà nhưng anh Q vẫn hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc nơi đông người. “Biết mọi người vẫn ngại tiếp xúc, nên nếu không có việc gì tôi cũng hạn chế gặp mặt, chỉ liên lạc qua điện thoại”, anh Q nói. Dù vậy, trên mạng xã hội, vẫn có nhóm kêu gọi người dân “di tản” khỏi chung cư nơi anh Q sinh sống.

Anh W.L.L, anh Q là 2 trong số 1.237 người (cộng dồn tính đến ngày 7/2) đến từ vùng dịch cần giám sát y tế trong 14 ngày.

Cách ly chỉ để phòng dịch bệnh

Mấy ngày nay, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) liên tục họp, cập nhật tình hình về công tác phòng chống dịch. Lý do bởi mới đây, một bảng thông báo thuộc tổ 13 của phường được đưa lên mạng với nội dung: “Tổ 13 phường Ngọc Thụy, có gia đình 4 người bị nhiễm cúm do virus corona. Đề nghị mọi người đi ra ngoài cần đeo khẩu trang để bảo vệ mình, tránh bị lây nhiễm”, gây hoang mang cho nhiều người.

Theo ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch phường Ngọc Thụy, thông báo trên do người viết không hiểu rõ về bệnh dịch nên viết sai nội dung. Thực tế, đây là những trường hợp từ vùng dịch về, cơ quan y tế yêu cầu cách ly để phòng dịch. Để người bị cách ly yên tâm phòng dịch, phường cử cán bộ thường xuyên theo dõi, mua hộ đồ dùng cần thiết cho các gia đình trên. Đồng thời, phát cho họ dụng cụ vệ sinh khử khuẩn, khẩu trang y tế… “Các gia đình có người cách ly đều hết sức hợp tác, vì họ cũng hiểu sự nguy hiểm nếu dịch bệnh bùng phát”, ông Văn nói.

Thực tế trên các diễn đàn, mạng xã hội, việc hô hào “tẩy chay”, xa lánh người đang cách ly không phải là hiếm, thậm chí còn gán họ vào trường hợp bị mắc bệnh cúm, làm sai lệch bản chất vấn đề.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận Cầu Giấy có một số phường có người đến từ vùng dịch, tất cả đều đang được theo dõi chặt chẽ, giám sát y tế tại nhà.

Việc cách ly tại gia đình để theo dõi áp dụng cho tất cả những người vừa trở về từ vùng có dịch là quy định bắt buộc trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, cần phải thực hiện tốt công tác cách ly tại cộng đồng.

Khử khuẩn, khẩu trang được trang bị ở nhiều chung cư

Bà Hà lưu ý, những người này đều chưa có dấu hiệu bị cúm corona, người dân nên ủng hộ, động viên những người được cách ly thực hiện tốt các quy định khi phòng chống dịch. Đây cũng chính là việc làm đồng hành chống dịch hiệu quả. Đối với các trường hợp được cách ly, ngoài giám sát chuyên môn của Trung tâm y tế quận, các phường như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu cũng đã có những hình thức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người bị cách ly kịp thời giúp họ hiểu rõ vấn đề, nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội, tự giác, tự nguyện vượt qua những bất tiện, khó khăn trong suốt thời gian cách ly. “Đến nay, nhiều người đã qua thời gian cách ly, sức khỏe tốt và không có biểu hiện gì bất thường”, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho hay.

Thời điểm này, các cán bộ y tế cấp phường xã, quận huyện ở Hà Nội đều đang căng sức trong công tác phòng dịch. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, họ còn cáng đáng thêm nhiều nhiệm vụ khác. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên Phạm Như Dũng cho biết, ngoài việc tham mưu cho Ban chỉ đạo quận ban hành các quyết định cách ly tại nhà, đơn vị còn thực hiện thêm nhiệm vụ thu gom rác y tế.

Theo ông Dũng, mặc dù theo quy định việc thu gom rác sinh hoạt là không đúng chức năng của cán bộ y tế, tuy nhiên thời điểm dịch thì đây là việc bắt buộc phải làm. Đối với người có quyết định cách ly thì người ta ăn ở, sinh hoạt tại nhà, rác vứt ra được coi là rác y tế, nếu vứt lung tung sẽ gây bệnh truyền nhiễm. Cán bộ y tế hiểu hơn về chuyên môn nên sẽ thực hiện việc này. “Các cán bộ y tế sau khi thăm khám hàng ngày, sẽ gom rác ở gia đình lại vào túi vàng chuyên dụng, khử khuẩn, mang về trung tâm y tế để xe chuyên dụng chở đi xử lý”, ông Dũng nói.    

Tính tới thời điểm hiện tại, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm nCoV.

Số trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV là 52 người (trong đó số xét nghiệm cho kết quả âm tính là 46 người, 6 người còn lại tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ chờ kết quả). Số người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế mới là 53 người nâng tổng số người cần giám sát cách ly lên tới 1.371 người, trong đó số người đã kết thúc giám sát là 499, số còn phải giám sát là 872 người.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-nhung-nguoi-bi-cach-ly-tai-gia-vi-virus-corona-o-ha-noi-1517718.tpo