Cô giáo Vân Kiều tự nguyện hiến đất xây trường mầm non

21/12/2019 10:07

Kinhte&Xahoi Với mong muốn trẻ em trong bản có nơi để học tập, phụ huynh không phải vất vả đưa con đi học xa trong sự bất tiện đủ bề do đường sá khó khăn, gia đình cô giáo Hồ Thị Trung đã tự nguyện hiến đất để xây dựng nên điểm trường khang trang, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị).

Điểm trường mầm non tại thôn Kreng 2, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Điểm trường mầm non Kreng (Trường mầm non Hướng Hiệp, huyện Đakrông), là một trong những điểm trường lẻ, điều kiện vật chất khá khó khăn so với các điểm ở khu vực trung tâm. Để đến với điểm trường này, chúng tôi phải vượt qua chặng đường hơn 10 km đường đất đá, nhiều đoạn trắc trở, khó đi.

Điểm trường mầm non Kreng hiện là nơi học tập của gần 100 trẻ, thuộc 2 thôn cũ là Kreng và Paloang của xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông.

Để góp phần xây dựng cơ sở vật chất khá cơ bản cho điểm trường này, phục vụ tốt hơn việc chăm sóc, dạy dỗ cho con em tại địa phương, người dân nơi đây không thể không nhắc đến sự đóng góp tự nguyện và đầy trách nhiệm của cô giáo Hồ Thị Trung (SN 1982, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Kreng - nay thuộc thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp). Cô Trung cũng chính là giáo viên của trường mầm non Hướng Hiệp, huyện Đakrông.

Là người con của bản làng, hơn ai hết cô thấu hiểu được niềm khát khao học chữ, mong muốn thay đổi trí tuệ, nhận thức để khi trưởng thành có thể quay lại cống hiến đưa quê hương thoát ra khỏi sự đói nghèo. Cô hiểu được việc học tập là nhu cầu chính đáng của mọi trẻ. Muốn dạy tốt, học tốt thì cơ sở vật chất phải được đáp ứng.

Điểm trường Kreng hôm nay chủ yếu được xây dựng trên phần đất gia đình cô giáo Hồ Thị Trung hiến tặng.

Cô giáo Trung cho hay, điểm trường này có từ năm 2004, lúc ấy cơ sở vật chất trường hết sức tạm bợ.

Hiện cơ sở vật chất đã đáp ứng việc dạy và học.

Khi lập gia đình, vợ chồng cô giáo Trung được cha mẹ cho một mảnh đất đủ rộng để vừa định cư, vừa trồng hoa màu cạnh điểm trường này. Được chính quyền vận động, cô Trung đã bàn bạc với chồng và nhận được sự đồng thuận.

Gia đình chị Trung đã tự nguyện hiến một phần đất bằng phẳng, đang canh tác nông nghiệp để xây một phòng học, phục vụ chăm sóc cho trẻ. Nhờ đó, các trẻ trong bản được đi học gần hơn, giúp phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất.

Chia sẻ về quyết định hiến đất xây trường thời điểm ấy, cô Trung cho biết: “Bản thân là giáo viên, lại là con em địa phương nên cũng mong muốn đem cái chữ mình học được để chăm sóc, dạy dỗ cho các cháu. Từ suy nghĩ đó, tôi hy vọng các cháu có nơi để học tập, phụ huynh không phải vất vả đưa con đi học xa với sự bất tiện về đường sá, nhất là mùa mưa lũ”.

Gần 10 năm trước, cô Trung là giáo viên “cắm bản” theo diện hợp đồng. Việc hiến đất xây trường học là quyết định hợp lý trong việc ổn định nơi học tập cho con em địa phương, vừa giúp cô được thuận tiện hơn trong việc nuôi dạy trẻ vừa chăm sóc gia đình, con cái.

Nhiều năm sau, khi Nhà nước đầu tư xây dựng mở rộng trường, xây thêm 2 phòng học, gia đình cô giáo Hồ Thị Trung tiếp tục hiến thêm một phần đất liền kề của gia đình mình. 

Cô giáo Trung bày tỏ: “Trước kia số lượng trẻ trong bản còn ít nên chỉ cần một phòng học. Về sau này, trẻ em nhiều lên cần được đến lớp nên yêu cầu phải mở rộng cơ sở vật chất, xây thêm phòng học để đáp ứng việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Gia đình tôi cũng hiểu rõ điều này, muốn trường học được mở rộng, cơ sở vật chất đảm bảo để các cháu được học tập trong điều kiện tốt hơn”.

Cô giáo Trung tươi cười bên các cháu mầm non ở điểm trường Kreng 2

Cô Trung cho hay, vào năm trước trường đầu tư xây thêm hàng rào tại điểm trường Kreng, gia đình cô cũng hiến thêm đất để xây dựng khuôn viên điểm trường. Sau đó, phía nhà trường và chính quyền có hỗ trợ lại một phần cho gia đình.

Mặc dù bây giờ, đất ở của gia đình cô Trung bị thu hẹp, thậm chí không có đất vườn nhưng hai vợ chồng vẫn cảm thấy vui vì ngôi trường được xây dựng khang trang, các cháu được học hành trong không gian thoáng mát, sạch đẹp.

Hiện nay điểm trường Kreng cơ bản đáp ứng việc dạy và học. Ngôi trường được xây mới, mở rộng thì chất lượng giáo dục được nâng lên. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phấn khởi và yên tâm hơn khi đưa con em mình tới trường.

Cô giáo Trần Thị Thu - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Hiệp đánh giá, việc cô giáo Trung và gia đình hiến đất để xây dựng điểm trường là hành động đáng khích lệ.

"Có điểm trường mới khang trang đã tạo điều kiện thuận hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ bảo đảm hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", cô Thu khẳng định.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/co-giao-van-kieu-tu-nguyen-hien-dat-xay-truong-mam-non-d113570.html