Cocobay Đà Nẵng: Tập đoàn Empire có tái diễn việc chiếm dụng vốn của khách hàng?

25/06/2019 15:58

Kinhte&Xahoi Trước những thông tin phản ánh của khách hàng về việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, Tập đoàn Empire, đang chiếm dụng vốn trái phép, “dụ dỗ” khách hàng đặt cọc mua nhà trên giấy. Hòa Nhập đã gửi công văn phản ánh tới chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Tuy nhiên, trong lúc chờ ý kiến của lãnh đạo thành phố thì chủ đầu tư và các công ty liên kết ngang nhiên rao bán biệt thự , shophouse, căn hộ trái pháp luật.

Qua tìm hiểu được biết, vào ngày 25/5/2019 Tập đoàn Empire đã làm làm lễ khởi công khu nhà ở Naman Homes. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức Chủ đầu tư và các công ty kinh doanh bất động sản liên kết như Đất Xanh, Cenland, Hải phát… đã rầm rộ truyền thông và quảng cáo giao bán nhà, biệt thự, căn hộ tại dự án này. 

Để đặt cọc giữ chỗ, khách hàng đã được chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng là Tập đoàn Empire yêu cầu nộp số tiền lên tới 300 triệu để đặc giữa chỗ tại khu nhà NamamHomes giá trị căn hộ thông qua thỏa thuận đặt cọc.

Bổn cũ soạn lại tinh vi hơn? 

Chiêu trò huy động vốn trái phép dự án Cocobay Đà Nẵng đối với khu nhà Naman Homes được chủ đầu tư đưa ra với người mua cũng không khác gì 3 năm trước khi họ huy động vốn sai phép cũng tại dự án Cocobay Đà Nẵng, đã từng được báo chí phản ánh. 

Theo tài liệu của PV có được, hiện nay các sàn giao dịch môi giới của chủ đầu tư đang rao bán khu vực shophouse, biệt thự của dự án với giá từ gần 9 tỷ đến hơn 10 tỷ một căn shophouse hoặc biệt thự. 

Chính sách bán hàng của Tập đoàn Empire gửi cho khách hàng.

Nhưng lần này, Tập đoàn thành đô đã nâng cấp độ tinh vi cho hành vi sai phạm của mình bằng cách ủy quyền ký hợp đồng đặt cọc và thanh toán Tiền Đặt Cọc được thực hiện bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của của công ty Cổ phần Empire Property, Tài khoản số: 053 – 1 – 00 – 253276 – 6, tại Vietcombank – CN Đông Sài Gòn.

Việc mới khởi động lại dự án Cocobay Đà Nẵng sau hai năm im lìm của Tập đoàn Empire, những tưởng họ sẽ không “dại gì” khi áp dụng chiêu thức cũ để huy động vốn trái phép khi đã từng bị phản ánh. 

Thế nhưng, vẫn bổn cũ soạn lại thì lại càng cho thấy dấu hỏi về Tập đoàn Empire có thực sự đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án hay không? Hơn nữa, liệu chính quyền thành phố Đà Nẵng có giám sát chặt chẽ hoạt động của của chủ đầu tư dự án hay không, hay cứ để Tập đoàn Empire, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, ngang nhiên huy động vốn phi pháp? 

Để làm rõ những dấu hiệu huy động vốn trái phép này, PV đã đến đặt lịch làm việc tại văn phòng của Tập đoàn Empire (Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xâ dựng Thành Đô) tại địa chỉ Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Nội dung làm việc đã được ông Đỗ Xuân Sơn, Giám đốc Hành chính và Nhân sự tiếp nhận. Nhưng sau nhiều ngày đặt lịch và nhiều lần liên hệ lại, ông Sơn cũng chỉ cho biết là đã báo cáo và sẽ có người liên hệ, còn đến bao giờ có thông tin từ chủ đầu tư thì không rõ. 

Tập đoàn Empire có đang huy động vốn trái phép?

Trả lời báo chí xung quanh sự việc tương tự như trên, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Theo khảo sát thực tế, dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, nhưng  Tập đoàn Empire đã đang huy động vốn bằng cách đặt cọc.

Mặt khác, theo Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó. Nếu hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định thì Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán gửi chủ đầu tư", Luật sư Phượng chia sẻ.

Để phối hợp với chính quyền sở tại là UBND thành phố Đà Nẵng có những biện pháp ngăn chặn kịp thời sai phạm này, đồng thời để giảm thiểu những rủi ro cho nhà đầu tư, tuyệt đối không thực hiện các hợp đồng đặt cọc, Toàn soạn Hòa Nhập điện tử đã gửi công văn số 97/2019/CV-ĐTHN tới Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. 

Nhìn lịch sử tài chính của Tập đoàn Empire

Theo thông tin kết luận số 262 ban hành ngày 16/6/2017 của Thanh tra Bộ Xây dựng về Tập đoàn Empire trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoat động kinh doanh bất động sản tại Dự án Cocobay Đà Nẵng.

Làm một dự án Cocobay tại Đà Nẵng, doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn, nhưng Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group mới đây còn tuyên bố muốn làm thêm 5 dự án kiểu Cocobay trên khắp cả nước.

Cụ thể, trong văn bản này, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, chủ đầu tư Tập đoàn Empire sử dụng tên thương mại Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay để giao dịch, quảng cáo là chưa đúng tên gọi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Thực hiện không đúng Khoản 6, Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Về năng lực tải chính của chủ đầu tư, báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán, ghi nhận vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư là 289.410.000.000 đồng, thấp hơn 15% tổng mức đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng. Thực hiện không đúng Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 14 viết: "Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta. Không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên".

Theo Viettimes, CocoBay Đà Nẵng được giới thiệu là có quy mô lên tới 11.000 tỷ đồng. Còn Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng Thành Đô – chủ đầu tư dự án – cập nhật đến đầu năm 2018, vốn điều lệ mới đạt 930 tỷ đồng. Mà đấy là công ty này đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn rất nhiều lần; Chỉ hai năm trước, con số tương ứng mới là 300 tỷ đồng (dĩ nhiên, vốn điều lệ đôi khi chỉ là con số đăng ký)

Vậy Empire Group đã thu xếp vốn như thế nào cho CocoBay Đà Nẵng, liệu ngân hàng nào cho Tập đoàn Empire vay vốn hay Tập đoàn Empire phải dùng hình thức huy động vốn này cho dự án? 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Hoà Nhập