Cơn sốt tiền ảo Pi: Nhiều dấu hiệu bất thường

07/03/2021 20:50

Kinhte&Xahoi Cộng đồng tiền điện tử Việt Nam thời gian gần đây đang xôn xao trước một loại tiền điện tử mới nổi mang tên Pi bởi gần như không mất bất kỳ chi phí gì nhưng hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên các chuyên gia về tiền điện tử lại đưa ra cảnh báo mô hình hoạt động này lại mang nhiều dấu hiệu lừa đảo.

Tiền ảo Pi: không mất gì, lợi nhuận cao?

 Được giới thiệu từ năm 2019, Pi Network có giao dịch nội bộ đầu tiên vào năm 2020. Đồng tiền điện tử này được quảng cáo là không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào khi có thể khai thác trên smartphone, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network. Nhiều người nắm giữ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn Pi trong ví ảo đang chờ đồng tiền này lên sàn.

Người đứng sau của dự án Pi được giới thiệu là Tiến sĩ Nicolas Kokkalis, đang nghiên cứu về Blockchain tại Đại học Stanford. Theo lời giới thiệu trên sách trắng của dự án, Pi được xây dựng để trở thành "đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới".

Trong lộ trình phát triển được chính tác giả công bố, Pi cũng chia làm ba giai đoạn như nhiều dự án tiền mã hóa khác, gồm giai đoạn thiết kế, thử nghiệm trên phiên bản Blockchain trước khi tiến tới giai đoạn chính thức phát hành. Tuy nhiên, thời gian cụ thể cho các giai đoạn lại không được đưa ra.

 Ứng dụng Pi Network trên điện thoại.

Theo ghi nhận mới nhất, tại trang fanpage của Pi Network cũng vừa công bố đạt 13 triệu người dùng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Pi Network mới đây đã lọt top 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên hệ điều hành iOS và tiền ảo "Pi" đang là từ khóa được nhắc đến với tần suất cao trong thời gian gần đây.

Không phức tạp như việc đào tiền ảo thường thấy trên máy tính khi yêu cầu cấu hình cao, người dùng "đào" Pi chỉ cần cài đặt ứng dụng Pi Network trên máy điện thoại mà mình đang sử dụng. Đồng thời thao tác "đào" cũng hết sức đơn giản khi mỗi ngày chỉ cần vào ứng dụng trên một lần, khoảng vài giây là đủ. Ngay khi đăng ký thành công, tài khoản của mỗi người sẽ được 1 đồng Pi, con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Tốc độ tăng mặc định ở giai đoạn đầu là 0,1 Pi/giờ, và sẽ tăng mỗi khi người dùng giới thiệu thêm người khác tham gia.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, quá trình cài đặt ứng dụng Pi Network cũng để lại nhiều nghi vấn về bảo mật dành cho điện thoại cũng như thông tin cá nhân người dùng. Cụ thể, để sử dụng được ứng dụng này trên các dòng điện thoại Android người dùng phải đồng ý cung cấp một số quyền như đọc danh bạ, nhận dữ liệu từ internet...

Đồng thời, khi đăng ký tài khoản người dùng phải khai báo tên tuổi, số điện thoại thật. Với những thông tin dạng này sẽ rất nguy hiểm nếu như bị sử dụng vào mục đích khác thay vì chỉ đơn thuần là khai báo như vậy.

Hiện tại, cộng đồng người tham gia "đào" Pi cũng đang gia tăng một cách chóng mặt. Hàng loạt hội nhóm được mọc lên trên Facebook với số lượng thành viên lên tới cả chục nghìn người. Tham gia vào đó, người dùng có thể nhận được hàng loạt lời quảng cáo có cánh như: Pi sẽ sớm trở thành những đồng tiền ảo giá trị cao như Bitcoin, Ethereum; không đầu tư từ bây giờ sẽ mất cơ hội làm giàu; cơ hội thành tỷ phú mà không mất bất kỳ chi phí gì...

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ ý kiến gì tỏ ra nghi ngờ hoặc tìm hiểu về cơ sở để những lời quảng cáo trên trở thành hiện thực thì thường xuyên bị phản pháo bằng những ngôn từ hoặc hàng loạt các đoạn trích dẫn đậm chất kỹ thuật về Pi mà hầu hết người đọc đều khó phân biệt được đúng hay sai. Thậm chí, phần lớn người đã tham gia vào Pi Network còn coi đây là một cơ hội, nếu được thì thắng còn thua chả mất gì.

Cảnh báo thao túng thông tin cá nhân

Nói về đồng Pi, TS. Nguyễn Lê Anh, chuyên gia về tiền ảo hàng đầu Việt Nam mới đây đã lên tiếng cảnh báo “Pi Network chỉ là một chiếc đồng hồ chạy giờ, nó tạo ra cảm giác là dùng điện thoại đào tiền”. Không chỉ vậy, quá trình phát triển từ thuở ban đầu đến hiện tại của đồng tiền ảo này cũng bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.

Theo phân tích của chuyên gia Lê Anh, bản chất của điện thoại không được thiết kế để thực hiện giải mã tiền kỹ thuật số như máy tính. Máy tính được thiết kế như một thiết bị vạn năng, còn điện thoại là thiết bị chuyên dụng. Cấu tạo kỹ thuật của điện thoại được xây dựng dựa trên tính năng cụ thể, không thể dựa vào các con số như dung lượng bộ nhớ RAM hay chipset để cho rằng điện thoại có khả năng tính toán, giải thuật toán.

Trong trường hợp này, khi nhiều người tin rằng việc đào Pi đang thực hiện trên các hệ máy tính lớn và điện thoại chỉ là tạo dựng cộng đồng, TS. Lê Anh dự báo: Nếu quả thật là có đồng tiền Pi như vậy, nó không ở trong điện thoại của người dùng, người dùng không sở hữu Pi mà chỉ có quyền được hệ thống cho tiền Pi.

Qua đó TS. Lê Anh khẳng định: Pi Network chỉ là trò lừa đảo. Giới cầm cái đang tìm cách quảng bá tính ưu việt của Pi là không mất gì mà kiếm được nhiều tiền và tìm cách chặn họng các thông tin về bản chất lừa đảo của tiền ảo PI.

Đồng quan điểm, TS. Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đang làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain. "Nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?" - ông Tuấn nghi ngờ.

Cũng theo chuyên gia Minh Tuấn, đồng tiền Pi có nhiều vấn đề khi người dùng có tài khoản nhưng lại không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì, ông Tuấn nói.

Khi khai báo và sử dụng Pi Network, người dùng chắc chắn sẽ "mất" thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID, thông tin xác thực danh tính cá nhân. Ứng dụng yêu cầu một số quyền truy cập thiết bị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất thông tin. Ngoài ra, người dùng sẽ phải bỏ thời gian, công sức để lôi kéo người khác, lãng phí tài nguyên của điện thoại, ông Minh Tuấn khẳng định.

Có thể nhận định rằng, tới thời điểm hiện tại, đồng Pi đang vô giá trị và kể cả trong tương lai cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng đơn vị tiền ảo này sẽ có giá trị. Chính suy nghĩ "được thì tốt - không cũng không mất gì" của người tham gia Pi Network đã khiến họ xây dựng lên tương lai tươi sáng cho đồng tiền ảo này mà không xem xét tới hàng loạt điểm bất thường. Thậm chí ngay cả cha đẻ của Pi - Tiến sĩ Nicolas Kokkalis cũng chưa từng khẳng định sự thành công, thời điểm lên sàn giao dịch cũng như giá trị thật mà đồng tiền ảo này có thể đạt được. Tất cả mới đang là kỳ vọng.

Hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không nhưng người dùng cần hết sức thận trọng khi tham gia vào mạng lưới này.

Pi Network hiện chưa có đại diện pháp lý chính thức ở Việt Nam, đồng thời đồng Pi cũng không được luật pháp Việt Nam công nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bất kỳ tổn hại nào về vật chất, dữ liệu cá nhân cũng như tinh thần của người đầu tư vào Pi sẽ không được pháp luật bảo vệ.

 Hà Thanh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/con-sot-tien-ao-pi-nhieu-dau-hieu-bat-thuong-411944.html