Cục ATTP cảnh báo: Viên giảm cân Giáng ngọc Eva và TPBVSK Men Pro New chứa chất cấm

18/11/2019 15:51

Kinhte&Xahoi Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm vừa ra cảnh báo sản phẩm TPBVSK Viên giảm cân Giáng ngọc Eva và TPBVSK Men Pro New của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Viên giảm cân Giáng Ngọc Eva chứa chất Sibutramin gây hại cho sức khỏe. (Ảnh: Internet)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc lấy mẫu giám sát chủ động mối nguy an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được Phiếu kết qủa kiểm nghiệm kèm theo báo cáo số 1521/VYTCC-DDATTP của Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo số 345/BC-KNH của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên Huế liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên giảm cân Giáng ngọc Eva và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New hộp 30 viên của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML phát hiện các chất không phù hợp với Bản công bố sản phẩm đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm.

Cụ thể, lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New hộp 30 viên, thông tin trên nhãn: NSX: 25/12/2018 – HSD: 24/12/2021 – Lô SX: 032018 của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML công bố, sản xuất tại Công ty Cổ phần Phúc Lâm. Kết quả kiểm nghiệm chất Sildenafil 23583,01 ± 6603,24µg/viên (Mẫu lấy tại Nhà thuốc Long Châu 37, 134 Lý Thường Kiệt, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên giảm cân Giáng ngọc Eva, thông tin trên nhãn: số kiểm soát 012019, hạn dùng 28/5/2022 của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML (địa chỉ: Thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) công bố, sản xuất tại Công ty Cổ phần Phúc Lâm (địa chỉ: Đường TS21 khu công ghiệp Tiên Sơn, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kết quả kiểm nghiệm chất Sibutramin Hydroclorid 13,96 mg/viên (Mẫu lấy tại Nhà thuốc Huy Hoàng số 62 Trần Cao Vân, thành phố Đà Nẵng).

Sibutramin và Sildenafil là hai chất cấm do có tác dụng không mong muốn, gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Theo đó, Sibutramine đã bị Cục Quản lý Dược cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do tạo cảm giác no và không thèm ăn nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim, mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt gây nguy cơ đáng kể cho những người có tiền sử bệnh mạch vành, suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác nguy hiểm, đe dọa tính mạng với các loại thuốc khác mà người tiêu dùng có thể đang sử dụng.
 
Sildenafil là một hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương dương Viagra. Nếu sử dụng tùy tiện hoạt chất này rất dễ gây ra các phản ứng. Mức độ nhẹ có thể chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim còn nặng hơn có thể bị suy thận, suy gan, cương cứng dương vật kéo dài, thậm chí hoại tử, nhiễm trùng dương vật.

Cục An toàn thực phẩm đã thành lập Đoàn kiểm tra phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương kiểm tra, xác minh tại trụ sở Công ty (địa chỉ Thôn Vĩnh Mộ, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) ghi nhận tại địa chỉ này có treo biển Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML, tuy nhiên Công ty thực tế có biểu hiện không hoạt động tại địa chỉ này.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xử lý vụ việc. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong lúc các cơ quan chức năng đang giải quyết vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng  02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có các thông tin nêu trên. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân buôn bán sản phẩm có các thông tin nêu trên, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cuc-attp-canh-bao-vien-giam-can-giang-ngoc-eva-va-tpbvsk-men-pro-new-chua-chat-cam-d111395.html