Cùng "chiến sỹ áo trắng" xông pha tuyến đầu trên mặt trận chống giặc covid-19

16/04/2020 10:43

Kinhte&Xahoi Dù đứng tuyến đầu trên “chiến trường”, nhưng vì nhiệm vụ họ luôn quên mình vì sức khoẻ nhân dân, vì lợi ích cộng đồng để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Được mệnh danh là những “chiến sĩ” dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, họ là những bác sĩ khoác trên mình bộ “quân phục trắng” thiêng liêng nhưng không có quân hàm.

Nhân dịp này, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có chuyến ghi nhận thực tế cùng những cán bộ, bác sỹ đang thầm lặng làm công tác chống dịch tại tuyến đầu ở huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Với nỗ lực kiểm soát nhằm chống dịch covid-19, để tạo lá chắn phòng vệ từ nhận thức cộng đồng, những ngày qua, nhân viên Trung tâm y tế huyện Bình Liêu đã đến từng cơ quan, đơn vị, các điểm trường, các chợ, các hộ gia đình có người đi lao động từ Trung Quốc trở về địa phương,... để làm công tác tuyên truyền, động viên và các biện pháp đặc biệt để chống dịch.
 
Anh Loan Văn Toàn - nhân viên Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Mặc dù làm việc ở khoa hồi sức cấp cứu nhưng khi được lãnh đạo phân công, giao nhiệm vụ phối hợp cùng Khoa kiểm soát dịch bệnh y tế công cộng và an toàn vệ sinh thực phẩm (BV Đa khoa huyện Bình Liêu) để đi phun hóa chất khử khuẩn tôi đã không ngần ngại, xung phong tham gia ngay. Công việc hàng ngày là vác trên vai thiết bị phun hoá chất chuyên dụng nặng trịch, lặn lội đi bộ đến từng cơ quan, đơn vị, trường học, từng nhà người dân.... để khử khuẩn, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đó là việc làm có ích và cần thiết cho cộng đồng lúc này.

Gặp chúng tôi tại chợ Đồng Văn (xã Đồng Văn), dù đã mệt nhoài, quần áo ướt đẫm mồ hôi, anh Toàn vẫn nở nụ cười rất tươi: “Từ ngày vào nhận công tác đến giờ đã được 4 năm, đây là lần đầu tiên tôi gắn bó với đống “của nợ” này trong thời gian dài đến vậy. Dù mệt, nhưng ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, tôi và các đồng nghiệp đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Lương Thị Kim Dung - Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh y tế công cộng và An toàn vệ sinh thực phẩm (BV Đa khoa huyện Bình Liêu) cho biết: Tính đến hết ngày 18/2, trên địa bàn huyện Bình Liêu đã tổ chức phun khử khuẩn đến hết tất cả các cơ quan, đơn vị, các trường học, chợ... và những hộ gia đình có người đi lao động trở về từ nước bạn.

“Hàng ngày việc tiếp xúc với hóa chất sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe dù đã bảo hộ, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” của chúng tôi luôn tâm niệm: “Vất vả cho công tác phòng bệnh chỉ một, nhưng nếu lơ là để dịch bệnh xảy ra, lây lan thì sự vất vả gấp trăm, gấp nghìn lần. Đặc biệt, khi đó, sức khoẻ, tính mạng của người dân sẽ bị đe doạ nghiêm trọng”.

Nỗ lực hết mình để chống dịch

Thời điểm này, có thể nói công tác phòng bệnh Covid-19 trên toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng đã và đang được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Với phương châm không vì chưa có dịch đến “nhà” mà các bác sĩ điều trị được phép lơ là. Hầu hết các y, bác sĩ được phân công nhiệm vụ cụ thể, “diễn tập” từng ngày để có thể ứng phó tốt nếu có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Bác sĩ Vi Tiến Nghiệp chia sẻ: “Do đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên khi được phân công vào đội trực tiếp điều trị, theo dõi cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại điểm cách ly Khách sạn Bình Sơn 2 (xã Hoành Mô) tôi hoàn toàn tự tin.

Trong quá trình thăm khám, chúng tôi luôn tuân thủ đầy đủ các phương pháp bảo hộ, bảo đảm an toàn theo quy định. Hàng ngày, ngoài việc đo chỉ số sinh tồn, chúng tôi cũng hướng dẫn, tư vấn, trấn an các trường hợp bị cách ly để họ yên tâm thực hiện đủ 14 ngày cách ly. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn được gia đình, lãnh đạo các cấp, lãnh đạo trung tâm thường xuyên động viên tinh thần nên chúng tôi cũng yên tâm công tác”.

Nói về công tác phòng chống bệnh dịch tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu, Bác sĩ Ngô Thị Bình - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Liêu cho biết: “Đối với các trường hợp sang Trung Quốc lao động trở về, Trung tâm y tế huyện Bình Liêu đã cử đội ngũ y, bác sĩ đến vận động, tuyên truyền để thay đổi tư tưởng của người dân theo chiều hướng tích cực. Động viên người dân chấp hành theo chủ trương chung của Chính phủ, từ đó họ cảm thấy yên tâm hơn và sẵn sàng hợp tác để theo dõi sức khỏe.

“Trong thời gian cách ly 14 ngày tất cả các trường hợp đều không có biểu hiện, triệu chứng liên quan đến chủng virus Covid-19. Chúng tôi luôn quan niệm, đã làm bác sĩ thì phải luôn sẵn sàng ứng phó nếu có dịch bệnh xảy ra, dù phải đối mặt với nguy cơ lây bệnh, rủi ro trong nghề nghiệp. Nhưng cái chính là khi đã làm đúng quy trình hướng dẫn phòng lây bệnh thì chúng tôi cũng không có gì phải quá lo lắng”.

Theo bà Bình, bằng những kinh nghiệm qua công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn từ Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh nên đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm hoàn toàn yên tâm và sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra.

“Khi có dịch bệnh tôi cũng lo, nhưng không phải lo sợ lây nhiễm bệnh mà lo khi phát sinh thực tế mình cần ứng phó và làm gì để chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân. Để có thể ứng phó tốt, tôi đã chủ động nghiên cứu hướng dẫn điều trị và theo dõi những chia sẻ kinh nghiệm điều trị của các bệnh viện tuyến trên. Tìm hiểu kỹ và trang bị kiến thức vững về chủng virus mới để có thể tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân trong mọi tình huống”.

Khó khăn là thế, nhưng mỗi cán bộ, nhân trung tâm y tế huyện Bình Liêu vẫn luôn tâm huyết với nghề, gắn bó với sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Với những tâm huyết, tận tụy của họ trong công tác phòng, chống dịch,... hy vọng sẽ nhanh chóng đẩy lùi “giặc dịch Covid-19”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cung-chien-sy-ao-trang-xong-pha-tuyen-dau-tren-mat-tran-chong-giac-covid-19-d121982.html