Cuộc đời giản dị của huyền thoại phi công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ

25/09/2019 11:10

Kinhte&Xahoi Với chiến tích huyền thoại 94 lần xuất kích, 13 lần nổ súng bắn rơi 7 máy bay Mỹ, phi công Nguyễn Văn Bảy đã được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Một ngày thay đổi cả một đời

Một ngày trung tuần giữa tháng 8, men theo bờ đê vắt vẻo dọc con kênh nhỏ, chúng tôi tìm về khu phố 2, Thị Trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tìm gặp Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (85 tuổi), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay của Mỹ. Người anh hùng phi công năm ấy giờ quanh năm sống vui giữa miệt vườn với đầm sen, ao cá. Vừa gỡ lưới dưới ao cá, cụ vừa chậm rãi kể lại chuyện đời mình.

Đã qua cái tuổi 85 nhưng ông làm việc quần quật cả ngày, hết bắt cá, trồng cây rồi tưới hoa, rau cỏ trong nhà.

Một buổi sáng trời lung linh nắng nhìn đâu cũng thấy nụ cười, bỗng có lệnh truyền xuống “khám sức khoẻ dự tuyển phi công” cả tiểu đội, trung đội, đại đội nhìn nhau, phi công ư? Lái máy bay ư? Chuyện từ trên trời rơi xuống, toàn những anh nông dân chân mốc minh, làm gì có cơ may trở thành một anh lính không quân hạng sang như thế, trong khi học vấn lại thấp.Có nhiều anh đọc báo còn chưa chạy chữ, toán thì chỉ biết cộng trừ chẳng có chút hi vọng gì. Ai có chút ước muốn hão huyền thì lóng ngóng tới lui xem người khác thế nào chỉ huy có phổ biến gì thêm không hay chỉ là chuyện đùa nhà lính.

Nguyễn Văn Bảy và một vài anh em bước ra ngoài, quang cảnh đúng là có khác ngày thường, xôn xao một chút, náo nức một chút, lệnh từ đại đội xuống tất cả chờ lệnh khám sức khoẻ theo yêu cầu của cấp trên.

Mười ngày trôi qua, vào một buổi chiều thông báo từ bộ chỉ huy xuống đơn vị cho biết một sư đoàn sẽ có mười người được đưa vào danh sách dự tuyển. Một con số thật kỳ vĩ và xa lạ nghe mà ù điếc cả tai, tối sầm cả mặt, ngơ ngẩn đến hết ngày một nỗi thất vọng lan ra khắp sư đoàn. Sự háo hức và nhuệ khí đi khám tuyển tuột xuống mức thấp nhất. Dù vậy mọi người vẫn phải tuân lệnh sắp hàng chờ khám.

Bất ngờ ngày đẹp trời lại đến cứ lừng lững nắng mây, cá đồng gặp vận ly kỳ như chuyện thần tiên, trong danh sách được truyền đạt qua sĩ quan chính trị, điều kỳ diệu đã đến với Nguyễn Văn Bảy sau khi anh được mời lên ban chỉ huy tiểu đoàn nghe phổ biến lệnh “Đồng chí có tên trong danh sách mười ứng viên dự tuyển phi công” mừng đến đứng tim, tai lại thêm một lần ù điếc. Sau một lúc định thần, Nguyễn Văn Bảy mới tin vào sự thật nghịch đời, rồi anh bừng tỉnh và chạy như bay về đơn vị hớt ha hớt hải báo cho mọi người “Tao Nguyễn Văn Bảy trúng tuyển rồi tụi bây ơi”.

Cuốn Album lưu giữ nhiều hình ảnh trong chuyến ông được mời sang Mỹ giao lưu với cựu phi công đã tham gia trong chiến tranh Việt Nam.

Nước mắt chưa kịp đắng của những chú lính vừa chia tay nhau vẫn còn sót lại sau 5 năm quân ngũ. Thằng con nít vẫn ẩn mình đâu đó trong chiếc áo lính có nhiều mồ hôi muối, mồ hôi dầu nên không ít những thằng bạn vừa khóc vừa cười trong buổi tiễn đưa vui nhộn.

Học văn hoá ở Lạng Sơn mấy tháng, đoàn tuyển sinh được Cục không quân chuyển về sân bay Cát Bi - Hải Phòng tiếp tục đào tạo và chính thức trở thành người của lực lượng không quân nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Văn Bảy được đào tạo phi công tại Trung Quốc, ở sân bay mới, Nguyễn Văn Bảy cùng anh em trong khoá phải bay mỗi ngày với nhiều kiểu thời tiết khác nhau để rèn luyện kỹ năng bay và tích luỹ giờ bay cho đúng cơ số, yêu cầu. Ngoài bay nâng cao Nguyễn Văn Bảy và các bạn còn được học bổ sung về kỹ chiến thuật không chiến. Sáng bay có khi vài tiếng, chiều nghe giảng, tối sắp xếp cho kế hoạch bay luyện cho ngày hôm sau. Hết mấy tháng đầu trường cho chuyển qua bay loại Mig-17 có chế độ tăng lực lấy tốc độ nhanh co kéo lên xuống cất cánh cơ động, nhanh nhẹn hơn Mig-17A thế hệ cũ.

Khi đã thuần tục các chương trình bay nâng cao ở Đường Môn thêm 6 tháng, lớp của Nguyễn Văn Bảy với 30 học viên sắp trở thành phi công thực thụ được đưa về sân bay Mông Tự chỉ cách biên giới Việt Nam 200km để tiếp tục bay nâng cao và học thêm kỹ chiến thuật không chiến với giáo trình cao hơn, giờ lý thuyết, thực hành nhiều hơn.  Gặp nhau dưới đất ít hơn gặp nhau trên trời. Tâm trạng người nào cũng phấn chấn vì ngày trở về quê chiến đấu không còn xa nữa. 

Trở về nơi đã ra đi

Sống ở Sài Gòn với hai người con trai 5 năm, lo cho các con xong chuyện học hành, yên bề gia thất, Nguyễn Văn Bảy trở về thị xã Sa Đéc sống với con gái út vài năm. Ông quyết định cùng người yêu dấu của mình hơn 30 năm trước thu xếp hành trang trở về nơi chôn nhau cắt rốn như lời ước nguyện bấy lâu nay. 

Phía sau ngôi nhà ông Nguyễn Văn Bảy là một ao cá với nhiều loại cá.

Trở lại với cuộc đời nông dân, trở về với đất, một vòng quay của số phận, một chu kỳ của đời người. Ngày cắt chiếc quần dài làm hai cái quần xà lỏn với hai chiếc áo bà ba vải săn đầm một rách, một sờn ra đi cho đến tận bây giờ .

Không muốn vợ khổ cực trong những ngày đầu, Nguyễn Văn Bảy đi tiền trạm một mình thực địa và chuẩn bị túp lều tranh “mở cõi” như ông cha ngày trước trong kiếp lưu dân. Ban đầu ông cũng học cách lên bờ bao xung quanh vuông đất của mẹ cha chia phần lấy bờ bao làm liếp trồng vườn, lấy vòng mương làm ao nuôi cá, trồng súng, trồng sen. Số đất bằng phẳng còn lại khoảng 6.000 mét dùng làm ruộng. Chuẩn bị sẵn công cụ và tiền cùng kế hoạch thuê mướn nhân công. 

Năm nay con nước về muộn nê cá tôm cũng ít hẳn.
 
Gặp bữa thăm đú được rất nhiều cá nhưng có hôm chỉ vài con cá vặt.

Ngày đầu tiên trở lại với quê nhà trong lòng xao xuyến, mới lạ làm sao, thương nhớ làm sao. Rồi buổi bình minh hiện lên chói chang trên đồng ruộng với điệu nhạc rộn ràng của những đàn chim sáo già, chim lá rụng và những chị chìa vôi hay chuyện líu lo. Giường như lũ chim nhắc cho ông Bảy nhớ những cung bậc sống của đồng quê. Ở đây mọi thứ vẫn trình tự xảy ra, sinh ra từ cõi đất thiên nhiên, không ai bon chen giành giật, không trộm cắp đi những thứ mà con người có từ cây cỏ, đất đai, nụ cười, niềm vui thôn dã và những ước mơ ấp ủ trong lòng, những bông sen hồng, trắng dưới nắng lung linh, những chùm bông súng khoe màu sặc sỡ, những chùm hoa bìm bìm, đám lục bình bình dị dưới mé sông rộn rã cùng với ban mai chào đón thằng bé ngày xưa trở về.

Võ Việt – Đình Dũng


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: HATAP