Đà Nẵng lên kịch bản ứng phó khẩn cấp tình trạng thiếu nước

24/08/2019 09:06

Kinhte&Xahoi Do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000 mg/l (nguồn nước chính cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay), những ngày qua, tình trạng thiếu nước diễn ra nhiều nơi tại TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng vận động tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước, chia sẻ và đồng hành cùng TP

Nguồn nước thô hiện tại hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất thiết kế 210.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng nước hiện nay trên toàn TP khoảng hơn 300.000 m3/ngày…

Chiều qua (23/8), chính quyền Đà Nẵng đã phát đi thông tin về việc ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu nước đang diễn ra.

Ưu tiên bệnh viện, trạm y tế

Theo đó, TP sẽ thông báo đến khách hàng sử dụng nước bằng tin nhắn, các phương tiện thông tin đại chúng; cấp nước bằng xe bồn và bồn nước cố định, đặc biệt ưu tiên khu vực bệnh viện, trạm y tế; theo dõi chặt chẽ áp lực nước từng khu vực cụ thể trên địa bàn TP, điều tiết nước luân phiên theo giờ.

TP cũng đã làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn, đề xuất giải pháp tăng lưu lượng nước xả về hạ du nhằm mục tiêu đẩy mặn. Trong vòng 24 giờ kể từ 15h ngày 21/8, các hồ thuỷ điện Đắk Mi 4, A Vương… đã tích cực triển khai xả nước. Cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ để có thể khai thác tối đa nguồn nước tại vị trí này, kết hợp với nguồn nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch.

Theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết, dữ liệu thuỷ văn và diễn biến độ mặn để kịp thời triển khai ngay các phương án theo kịch bản đã được phê duyệt. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho trường hợp phải triển khai phương án xây dựng đập ngăn mặn và giữ ngọt tạm thời tại hạ lưu Cầu Đỏ.

Hiện tại, do diễn biến độ mặn và thời tiết trong thời gian tới còn phức tạp, để nhanh chóng phục hồi việc cấp nước và chuẩn bị đối phó với các tình huống có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước sạch cho nhân dân trong thời gian tới, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Dawaco theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cấp nước, tiếp tục thực hiện các công việc kịp thời theo đúng nội dung kịch bản ứng phó.

Điện lực Đà Nẵng thường xuyên theo dõi, thực hiện kịp thời các biện pháp để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trên địa bàn TP. Đặc biệt, cần lưu ý đến khu vực các nhà máy nước. Sở Công Thương, UBND các quận, huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng tình hình thiếu nước hiện nay để tăng giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP.

UBND các quận, huyện chủ động theo dõi, rà soát tình hình thiếu nước của người dân trên địa bàn để phối hợp kịp thời với Dawaco cung cấp nước đến người dân. Vận động tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước, chia sẻ và đồng hành cùng TP trong bối cảnh hiện nay.  

Chính quyền cũng khuyến cáo người dân ở những khu vực đang có nước sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên lấy đủ lượng nước dành cho sinh hoạt hàng ngày, hạn chế tích trữ nước để góp phần sớm hồi phục mạng lưới, đảm bảo cấp nước đến cho các khu vực đang còn thiếu nước.

Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh chủ động có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình trạng thiếu nước, độ mặn cao hơn mức trước đây trong thời gian tới; chủ động khai thác tối đa nguồn nước ngầm theo giấy phép đã cấp để phục vụ sản xuất. Các khách sạn sử dụng tiết kiệm nước và hạn chế lấy nước vào giờ cao điểm (từ 17h-24h hàng ngày) để ưu tiên phục vụ cho người dân. 

Áp lực nước đang được cải thiện

Theo các số liệu báo cáo, từ rạng sáng 23/8 đến chiều, sông Cầu Đỏ giảm mặn với độ mặn thấp nhất l760mg/l. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã tăng cường lấy nước thô tại sông Cầu Đỏ để sản xuất, cải thiện áp lực, lưu lượng nước trong hệ thống đường ống, nhất là hai quận Hải Châu, Thanh Khê và chuẩn bị nguồn nước để tập trung cấp nước cho hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn từ tối 23/8.

Nhờ có nguồn nước từ các hồ thủy điện xả về đã đẩy được “đỉnh” mặn của sông Cầu Đỏ vào đêm 22/8 và làm cho mực nước sông Vu Gia dâng lên mức 2,48m vào sáng 23/8, tăng 0,76m so với sáng 21/8.

Ghi nhận của PLVN, đến trưa 23/8, áp lực và lưu lượng tại một số khu vực ở hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã cải thiện. Do có tuyến ống truyền tải nước từ phía quận Hải Châu qua Sơn Trà nằm ở cầu Tiên Sơn và Trần Thị Lý nên nhiều khu vực đầu nguồn nước của quận Ngũ Hành Sơn đã có nước lại để người dân sử dụng.

Chiều cao cột nước tại tuyến truyền tải chính cho hai quận ở trước số nhà 27 Ngũ Hành Sơn đã đạt 3m (thấp hơn bình thường 2m), lưu lượng nước qua đây đến 900m3/giờ; tại cầu Biện là 2,5m (thấp hơn bình thường 2,5m); tại ngã ba đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo là 2m (thấp hơn bình thường 2m)…

“Nhiều khu vực ở quận Ngũ Hành Sơn đã có nước để người dân sử dụng, số lượng điểm đặt bồn chứa để cấp nước lưu động bằng xe bồn đã giảm mạnh. Nhưng các khu vực cuối nguồn của quận Sơn Trà như ngã tư đường Chu Huy Mân – Ngô Quyền, đường Yết Kiêu, Lê Cảnh Tuân…, áp lực thấp nhưng lưu lượng vẫn có vì người dân ở khu vực đầu nguồn lấy nước quá nhiều nên nước về các khu vực cuối nguồn còn hạn chế. Lưu lượng nước cấp cho quận Liên Chiểu đang ổn định vì chúng tôi bảo đảm duy trì công suất cấp nước cho Nhà máy nước Sân Bay bình thường”, ông Hồ Minh Nam, đơn vị cung cấp nước quận Sơn Trà thông tin.

Tổng Giám đốc Dawaco cũng xác nhận, nhờ sông Cầu Đỏ giảm mặn nên công suất thu nước sông Cầu Đỏ tăng lên so với sáng sớm và đang chuẩn bị trữ lượng nước đủ nhiều để bắt đầu từ 20h tối 23/8 tiến hành khép van ở quận Hải Châu, tập trung truyền tải nước qua khu vực hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Điều đáng lo ngại, nhiều hộ có bể chứa lớn nên tranh thủ có nước sẽ lấy nước vào bể chứa, đồng nghĩa nhu cầu lấy nước tăng cao đột biến. Vì thế, Dawaco sẽ tập trung điều tiết cho hai quận này trong hai đêm để có thể cấp nước được đến các khu vực cuối nguồn của phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang…

Sở Xây dựng được yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đúng tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày, dự kiến khởi công vào cuối tháng 9/2019, hoàn thành năm 2020; Triển khai dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng, khởi công tháng 9/2019, hoàn thành cuối năm 2019; Đẩy nhanh tiến độ tuyến ống Diuke qua sông Hàn và sông Cầu Đỏ, hoàn thành trong tháng 9/2019.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus