Đặc sắc cờ người nơi đất võ

26/01/2020 09:14

Kinhte&Xahoi Mỗi dịp đầu xuân, nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định lại rộn ràng với môn thể thao cờ người.

Đó là sự kết hợp giữa cờ tướng và võ thuật. Và, những trận cờ người đã tôn thêm những nét văn hóa đặc trưng của vùng “đất võ trời văn” Bình Định. 

Một trận thi đấu cờ người ở Bình Định.

Nét đẹp cờ người

Theo lão kỳ thủ Nguyễn Minh Trưng (ngụ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, từng vô địch giải cờ tướng quốc gia), trước đây, hội cờ người phổ biến khắp các làng quê ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội cờ người dần mai một.

Mãi đến năm 2006, võ sư Lê Xuân Cảnh (ngụ phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) mới quyết định khôi phục lại trò chơi dân gian cờ người này tại phường Nhơn Hưng. Sau đó, các địa phương như: An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước… vào những ngày đầu xuân luôn tổ chức biểu diễn, thi đấu cờ người, nhằm khôi phục lại trò chơi, nét văn hóa dân gian đặc sắc này.

 Lão kỳ thủ Nguyễn Minh Trưng điều khiển một trận đấu cờ người ở Bình Định.

Xuất phát từ môn thể thao đầy trí tuệ và nghệ thuật là cờ tướng, cờ người có luật chơi như cờ tướng với đầy đủ các tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt. Nhưng thay vì đặt bàn cờ trên bàn với những quân cờ bằng gỗ hay ngà, thì bàn cờ người được vẽ vuông vức trên khoảng sân rộng với 32 quân cờ là 32 võ sinh. Các võ sinh cầm trên tay những vũ khí như: gươm, đao, mác, kiếm… và được điều khiển bởi hai kỳ thủ ngồi trên chòi. 

Trước giờ thi đấu, bên ngoài bàn cờ người, cổ động viên “tiếp sức” cho đội mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng liên hồi làm cho không khí trở nên sôi động. Quá trình thi đấu, khi kỳ thủ ngồi trên chòi điều khiển quân cờ (điều khiển bằng ba thuật ngữ: “tấn”, “bình”, “thoái”) thì tiếng trống lệnh vang lên, quân cờ phải xuất tiến bằng các thế võ như: đứng tấn, múa đao, giáo, mác, đi một bài quyền... 

Trong khi đó, mỗi nước cờ ăn quân được gắn liền với thế võ tương ứng khác nhau. Chẳng hạn, quân mã muốn sát bất cứ quân cờ nào khác của đối phương thì dùng thế “hầu tiểu kiêm kê” xoay một vòng rồi đánh ngang, quân xe sát quân pháo thì dùng thế “thừa châu bố địa” đánh phủ đầu từ trên xuống, quân pháo sát quân mã thì dùng thế “đục pháo xuân thiên” từ dưới đánh lên trên, quân bồ sát quân mã thì dùng thế “ngưu khai giác” giống như cặp sừng trâu đánh qua đánh lại... 

Khi quân của một trong hai bên bị sát hạ thì hồi trống cũng vang lên theo nhịp trống sát. Quân cờ thua sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, phải ngồi về phía sau bàn cờ của đối phương. Còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân thì hồi trống thúc giục vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua.

Càng về sau, khi các quân cờ càng thưa dần cũng là lúc cuộc cờ thêm căng thẳng. Những quân cờ chủ chốt còn lại, tùy theo từng thế cờ nhất định để di chuyển, thi triển các thế võ khác nhau. Tính hấp dẫn vì thế cũng tăng dần, tạo những cao trào nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều ván cờ còn là sự tái hiện của những trận chiến, những trận đánh oai hùng trong lịch sử với các chiến thuật cực kỳ cao thâm khó lường.

“Sự hấp dẫn của cờ người thường là lúc bước vào tàn cuộc. Lúc này các trận chiến của các quân cờ cũng quyết liệt và dữ dội nhất. Người nhập vai tướng phải là người giỏi võ. Bước vào đường cùng, vị tướng thường trổ hết các tuyệt chiêu của mình để phá vòng vây. Tả xung hữu đột, có khi phải đánh liên tiếp với hai, ba đối thủ nên các trận chiến thường diễn ra rất hấp dẫn”, lão kỳ thủ Nguyễn Minh Trưng cho biết.

Kỳ thủ ngồi trên chòi điều khiển quân cờ.

Trong 32 quân cờ, ngoài những chàng trai khỏe mạnh cũng có nhiều bóng hồng xinh đẹp. Các cô gái ẩn mình trong những quân cờ với những thế võ của đất Bình Định danh tiếng, mang đến cho khán giả nhiều khoảnh khắc thú vị và bất ngờ, như thể những bông hoa tô điểm thêm cho mùa xuân của đất trời.Để thực hiện được nước cờ theo từng thế võ, đòi hỏi các võ sinh không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn có những kiến thức cơ bản về kỳ thuật. Vì vậy, để được chọn vào đội thi đấu cờ người, các võ sinh phải được huấn luyện võ thuật rất nhuần nhuyễn, công phu.

Nét văn hóa đặc trưng

Mỗi trận cờ người đều có người điều khiển và bình luận, thường là một cao thủ cờ tướng. Một trận đấu thường kéo dài hai giờ đồng hồ, nếu sau thời gian này vẫn “bất phân thắng bại” thì người điều khiển sẽ hội ý hai cao thủ với hai phương án, một là bốc thăm để phân chia thắng bại, hai là cả hai nhận kết quả hòa. Vì thi đấu dưới hình thức biểu diễn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm nên kết thúc trận đấu, cả hai bên đều được trao giải nhằm động viên tinh thần của các kỳ thủ và võ sinh.

Những màn đối kháng khi ăn quân luôn làm người xem thích thú.

Đến với hội cờ người ở Bình Định, người xem được thưởng ngoạn những màn thi đấu võ thuật độc đáo như một cuộc đối kháng thật sự, chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn. Tuy nhiên, dù là một môn thể thao đấu trí và có sự thắng thua, nhưng trong trận đấu cờ người ở Bình Định, cuộc chơi thường đem lại những tiếng cười sảng khoái, những niềm vui hòa lẫn trong không khí háo hức của lễ hội mùa xuân…

Đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bằng kiến thức uyên thâm, lão kỳ thủ Nguyễn Minh Trưng thường được tín nhiệm giao cho trọng trách điều khiển trận đấu cờ người. Với niềm đam mê môn cờ tướng cùng sự dí dỏm vốn có, lão kỳ thủ này đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của trận đấu bằng những lời bình vừa sâu về chuyên môn, vừa pha chút hài hước. Không khí những ngày xuân quanh những trận đấu cờ người vì thế càng trở nên đặc biệt.

“Có dịp xem hội đánh cờ người ở một số địa phương khác, tôi thấy cờ người ở Bình Định có nét độc đáo riêng. Đó là phần “hồn” mang đậm nét dân dã. Điểm hay nữa là ở mỗi trận thi đấu, lực lượng võ sinh đồng đều về hình thể, đánh những động tác võ thuật cổ truyền bám sát đặc điểm chiến đấu riêng của từng quân cờ” – Cựu vô địch cờ tướng quốc gia Nguyễn Minh Trưng nhận xét.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/dac-sac-co-nguoi-noi-dat-vo-d115856.html