Đại dịch Covid-19: Do con người hủy hoại môi trường

21/06/2020 10:06

Kinhte&Xahoi Mới đây, các quan chức của Liên Hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ bảo tồn hoang dã thế giới (WWF) đã cùng đưa ra một nhận định chung. Theo đó, đại dịch như Covid-19 là hậu quả do con người hủy hoại môi trường tự nhiên, nhưng bị phớt lờ qua hàng thập kỷ.

Ảnh minh họa

Con người ngoài việc hủy hoại môi trường sống, việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cũng đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật này. Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (LHQ) ước tính, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên thế giới là hoạt động kiếm lời phi pháp đạt doanh thu cao thứ 4 sau buôn ma túy, buôn người và buôn vũ khí.

Thị trường tiêu thụ động vật hoang dã có giá trị rất lớn, thực sự là “mảnh đất màu mỡ”, thu hút những đối tượng sẵn sàng săn lùng và buôn bán hàng trăm ngàn động vật bên ngoài tự nhiên. Tại Trung Quốc, giá trị của ngành này là 18 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu buôn bán động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc trong ngành y học cổ truyền.

Động vật hoang dã thường mang nhiều virus, chẳng hạn như dơi có thể mang hàng trăm mầm bệnh nguy hiểm. Virus, thông qua xâm nhập từ loài này qua loài khác, cuối cùng vẫn có thể lây cho con người. WHO cảnh báo 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong vòng 50 năm qua đều xuất phát từ động vật và khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV bắt nguồn từ loài vượn lớn; Ebola, bệnh dại xuất hiện ở vùng Amazon; dịch sốt xuất huyết do virus Marburg hay dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) đều có liên quan tới dơi; cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ loài chim hoang dã...

Tương tự, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2 ) gây đại dịch Covid-19 được cho là xuất phát từ động vật hoang dã khi những ca bệnh đầu tiên bùng phát tại một khu chợ ở Vũ Hán, nơi bán dơi, rắn, tê tê, cầy hương và nhiều động vật hoang dã khác.

Bằng cách tiêu thụ ngày càng nhiều loài động vật hoang dã, con người cũng tự đẩy mình vào nguy cơ mắc nhiều mầm bệnh nguy hiểm hơn, bởi các dịch bệnh thường chỉ xảy ra khi có tiếp xúc gần. Mặt khác, qua nghiên cứu hơn 140 loại virus lây từ động vật sang người, các nhà khoa học kết luận rằng nguy cơ bệnh truyền từ động  vật sang người cao nhất khi một loài bị đe dọa bởi các yếu tố như môi sinh bị tàn phá hay bị săn bắn quá mức. Điều đó đồng nghĩa với việc càng khai thác quá mức đời sống hoang dã, đặc biệt là phá hoại môi sinh tự nhiên, con người càng có nguy cơ cao đối mặt với các dịch bệnh như Covid-19.

Tờ The Guardian dẫn lời Giám đốc phụ trách y tế và môi trường của WHO Maria Neira: “Chúng ta đã chứng kiến nhiều dịch bệnh xuất hiện trong những năm qua, như Zika, Aids, Sars, Ebola, tất cả có nguồn gốc từ các loài động vật trong tình thế chịu sức ép to lớn về môi trường sống”.

Trong khi đó, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của LHQ, tuyên bố đại dịch Covid-19 là “lời cảnh báo khẩn cấp dành cho hoạt động kinh tế của con người”, khi đa phần người dân các nước vẫn mang tư duy sự thịnh vượng của nhân loại không phụ thuộc vào sức khỏe của thiên nhiên.

Đối với Covid-19, đại dịch này bùng phát có lẽ là biểu hiện rõ ràng nhất về sự mất cân bằng giữa con người và thiên nhiên, hành vi phá hủy môi trường của con người “đe dọa tới sức khỏe của chính nhân loại”. 

Trong một báo cáo công bố hồi tuần qua, WWF cảnh báo nguy cơ những loại bệnh mới lây truyền từ tự nhiên sang con người xuất hiện trong tương lai đang cao hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của WWF, những căn bệnh mới có khả năng gây thiệt hại to lớn cho sức khỏe, nền kinh tế và an ninh toàn cầu. 

Nhiều chuyên gia có chung kết luận yếu tố then chốt tạo ra những dịch bệnh nhảy từ động vật hoang dã sang con người, mới đây nhất là Covid-19, đến từ các hoạt động phá hủy môi trường, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã có nguy cơ cao về y tế.

Hiện tại, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới đời sống toàn cầu, không chỉ buộc thế giới phải thay đổi nhiều thói quen, xem xét lại cách thức vận hành nền kinh tế, mà còn là một lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng nếu con người tiếp tục tàn phá môi trường sống của các loài động vật hoang dã, tiếp tục buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã thì chính cuộc sống của nhân loại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng thời đại dịch Covid-19 một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp để con người có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trên hành tinh này. Gây tổn hại cho động vật hoang dã cũng chính là gây tổn hại cho tương lai của con người. Bảo vệ động vật hoang dã cũng là đang tự bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính con người.

 Thu Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/dai-dich-covid-19-do-con-nguoi-huy-hoai-moi-truong-d127626.html