Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình

18/05/2023 07:24

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 184/TB-VPCP ngày 17/5/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 05 địa phương.

Ảnh minh họa: Vneconomy.

Thông báo nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 05 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã biểu dương và ghi nhận lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong công tác triển khai nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 phân bổ cho 05 địa phương nêu trên tương đối lớn (hơn 92 nghìn tỷ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết Quý I năm 2023 còn ở mức thấp dưới trung bình cả nước.

Nguyên nhân giải ngân chậm đã được các bộ, địa phương báo cáo, chủ yếu là: Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng; việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi của thị trường, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành...

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Các dự án vốn nước ngoài giải ngân chậm do thời gian lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài, thủ tục gia hạn Hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian. Năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023, Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân từ 95%-100% kế hoạch vốn năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng yêu cầu xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023; tập trung khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án; kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 vì lý do chủ quan.

Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ

Phó Thủ tướng yêu cầu việc chuẩn bị đầu tư dự án và thực hiện đầu tư phải triển khai sớm để đưa vào kế hoạch như: Giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giao thầu, năng lực của các Ban quản lý dự án…

Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, định giá đất, khai thác tài nguyên, khoáng sản (đất san lấp, cát, sỏi), hải quan, y tế… để kịp thời xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực của Tổ công tác rà soát, tổng hợp các số liệu của các địa phương sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn đầu tư công; tiếp thu ý kiến, những nguyên nhân tồn tại khách quan, chủ quan, khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ hiệu quả trong thời gian tới, tổng hợp chung Báo cáo kết quả của Tổ công tác số 1 cùng với các Tổ công tác khác, báo cáo Chính phủ.

 Phạm Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dau-tu/day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-di-doi-voi-bao-dam-chat-luong-cong-trinh-d193762.html