Để cánh đào thắm hơn và một cái Tết đủ đầy cho tất cả

22/01/2021 16:35

Kinhte&Xahoi Phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng - đây là một trong những nội dung chỉ đạo đáng chú ý được nêu tại Chỉ thị số 45 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) sau đó đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù "trồng cây" và "bảo vệ, phát triển rừng" là yêu cầu gần như thường trực, nhất là dịp tết đến, xuân về, tuy nhiên trong năm nay, chủ trương này lại gắn với hoạt động khai thác, tiêu thụ "đào rừng".

Gọi là "đào rừng" nhưng theo người viết, trong số này có một bộ phận lớn là "giống đào rừng" được người dân trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, chủ yếu ở các địa phương miền núi thuộc các tỉnh như Sơn La, Hà Giang hay Thanh Hóa, Nghệ An.

Riêng với Sơn La, để hỗ trợ người trồng đào khai thác cây, cành bán vào dịp Tết Nguyên đán, từ đó tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tăng cường công tác ngăn chặn, chặt phá đào rừng tự nhiên, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích vườn nhà, đất nương rẫy, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng đã nhấn mạnh: Đối với việc khai thác cây đào do người dân trồng trên đất vườn nhà, đất đồi ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định theo quy định của pháp luật.

"Trong thời gian trước mắt, có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp" - lãnh đạo Bộ NN&PTNN cho biết.

Như vậy, về tinh thần, Bộ NN&PTNN đã cho thấy tinh thần lắng nghe và cố gắng tháo gỡ vướng mắc cho người dân.

Nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, từ chủ trương, đường lối chính sách cho đến thực tiễn thực thi chính sách là một chặng đường tương đối dài, đôi khi có cả những "lệch pha" nhất định.

Sự "lệch pha" này rất dễ phát sinh nếu như các địa phương vẫn lạm dụng nguyên tắc cứng nhắc về thủ tục hành chính, giấy tờ, tạo ra cơ chế xin - cho.

Chính bởi vậy, người dân cũng cần thêm trong cách giải thích, truyền đạt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT về những "biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp" cụ thể sẽ bao gồm những biện pháp nào.

Tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng sẽ luôn là một hoạt động cần thiết và xuyên suốt, không chỉ trong dịp Tết. Cũng hi vọng sao, với sự cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, với mong muốn người dân nào cũng có Tết lành mạnh, an vui, đủ đầy, sắc đào cũng sẽ thắm đượm, nụ cười của bà con vùng sâu, vùng xa sẽ luôn được viên mãn, tròn đầy…

 Bích Diệp - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://dantri.com.vn/blog/de-canh-dao-tham-hon-va-mot-cai-tet-du-day-cho-tat-ca-20210122031305235.htm