Đề nghị tăng phí để "cứu" nhà đầu tư BOT

14/05/2020 09:25

Kinhte&Xahoi Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí, thay vì nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng cho phép các trạm BOT được tăng phí, thay vì nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ.

58/60 dự án sụt giảm doanh thu

Bộ GTVT cho biết đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn do doanh thu thực tế của 45 dự án thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13% - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

Nguyên nhân là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Bên cạnh đó, do sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng, quý, năm nên lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo. "Đặc biệt là việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Các DN BOT gặp khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với khoản vay" - Bộ GTVT cho biết.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân, TP HCM), một trong những dự án BOT tại TP HCM. Ảnh: GIA MINH

Theo Bộ GTVT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu của các DN BOT giảm sút. Theo thống kê, 58/60 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo, trong đó doanh thu thực tế của 17 dự án chưa đạt 50%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới khả năng trả nợ của các DN BOT. Các ngân hàng thường yêu cầu trả nợ theo kế hoạch, DN BOT phải bù thêm từ nguồn vốn khác vì doanh thu thực tế thấp khiến họ lâm vào tình thế khó khăn. Đồng thời, DN BOT không có nguồn vốn để bảo trì công trình dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng.

Tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay phát sinh

Trước những khó khăn phát sinh, các DN BOT đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc tập trung vào các nội dung như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ; không chuyển DN BOT sang nhóm nợ xấu; giãn thời gian nộp thuế GTGT và thuế thu nhập DN các năm 2019 và 2020; miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19.

Đồng thời hỗ trợ, giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; kiến nghị giảm từ 2%-3%/năm so với lãi suất vay đang dao động khoảng 10%-11%/năm. Bố trí ngân sách nhà nước để bù đắp phần doanh thu sụt giảm khi DN BOT thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét trưng mua một phần hoặc toàn bộ đối với các dự án có trạm thu phí chưa được tổ chức thu phí do không bảo đảm an ninh trật tự.

Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án. Phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết). Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí kế hoạch vốn. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19. Việc phương án tài chính bị ảnh hưởng là do chính sách giá khi điều hành kinh tế vĩ mô (miễn, giảm phí; chưa tăng phí theo lộ trình) và các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí thấp hơn doanh thu dự báo trong hợp đồng dự án.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT tính toán kinh phí nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. 

Đề xuất không phù hợp

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp vì DN vận tải đang rất khó khăn, dù hoạt động trở lại nhưng lượng khách, hàng hóa ít, tần suất chạy thấp. Bộ cũng cần tính đến từng tuyến BOT vì một số tuyến độc đạo, các phương tiện không có lựa chọn khác. Còn đối với những dự án có tuyến song hành, DN vận tải có quyền lựa chọn thì cũng có thể điều chỉnh.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng hầu như mọi lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, doanh thu của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, từ 50%-60% so với cùng kỳ nên nếu tăng phí BOT, DN vận tải sẽ đứng trước bờ vực phá sản.

Doanh nghiệp vận tải không đồng tình

Về việc Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí, nhiều DN vận tải đã bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề, các DN ở Thừa Thiên - Huế đang "kêu trời" vì từ tháng 3 đã bị tác động mạnh, tháng 4 ngừng hoạt động, từ đầu tháng 5 đến nay mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách đi lại chỉ bằng 40% so với những năm trước. Hiện DN đang đề xuất giảm phí bảo trì, cầu đường. Theo ông Long, việc các nhà đầu tư BOT đề xuất tăng phí là bất hợp lý, sẽ "giết chết" ngành vận tải.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, kiến nghị nếu cần thiết phải điều chỉnh để "cứu" nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế - xã hội phục hồi. Hiện lượng khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi các loại thuế, phí, khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên và mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của DN hiện đang rất cao.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng hợp về lý nhưng vào thời điểm này, các DN còn đang "thoi thóp" thì đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm là không hợp tình.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trung Khánh, chủ một DN vận tải container tại quận 9 (TP HCM), cũng cho rằng DN vốn đang khó khăn chồng chất, việc tăng phí BOT là không phù hợp. "Vừa qua, hoạt động tại DN hầu như không có doanh thu nhưng để giữ chân tài xế, DN vẫn trả lương chờ hết dịch để tiếp tục hoạt động. Nhưng khi vừa vào giai đoạn tái hồi phục thì xăng tăng và nếu tăng phí BOT thì DN rất khó kham nổi" - ông Khánh nói.
 


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo Người Lao Động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-nghi-tang-phi-de-cuu-nha-dau-tu-bot-d124404.html