Đề xuất bỏ Quỹ phòng, chống thiên tai

01/08/2019 14:36

Kinhte&Xahoi Trong văn bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cộng đồng doanh nghiệp - đề xuất nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của chính sách Quỹ phòng, chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai.

Ảnh minh họa

Thu, chi kém hiệu quả

Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được đưa ra từ Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT. Trong văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT và Luật Đê điều, VCCI cho biết, qua 5 năm triển khai, VCCI nhận được nhiều ý kiến DN về sự không cần thiết, lãng phí, tốn kém và thiếu minh bạch của Quỹ PCTT. “Có DN phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều DN khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt. Quan trọng hơn, các DN cho rằng đang bị thu một cách bất hợp lý và không biết được số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không” – VCCI cho biết.

VCCI dẫn Báo cáo số 200/BC-ƯPKP của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngày 25/06/2019 về số tiền thu quỹ: Tổng số tiền thu được ở các tỉnh, thành phố trong 5 năm qua là 2.360 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 là 826 tỷ đồng. Việc thực hiện thu quỹ hiện nay được nhận định là rất kém, bởi sau 5 năm thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP, vẫn có 2 tỉnh, thành phố không thành lập được Quỹ, có 8 tỉnh, thành phố không tiến hành thu tiền cho Quỹ. Hơn nữa, năng lực thu quỹ hiện nay đạt rất thấp.

Theo tính toán, số tiền khả thu năm 2018 là 5.807 tỷ đồng, nhưng trên thực tế năm 2018 chỉ thu được 826 tỷ đồng, tức là chỉ đạt 14% nguồn khả thu. “Việc thu quỹ yếu kém như vậy đã tạo ra một sự bất bình đẳng giữa những doanh nghiệp bị thu tiền và những doanh nghiệp không bị thu tiền, giữa doanh nghiệp ở tỉnh này và ở tỉnh khác” – văn bản của VCCI nêu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ được nhận định “cũng đang trong tình trạng yếu kém”. Trong 5 năm qua các địa phương trên cả nước mới sử dụng 918 tỷ đồng và còn tồn dư 1.442 tỷ đồng. Như vậy, số chi mới chỉ bằng 39% tổng số thu. “Nói cách khác, 1.442 tỷ đồng tiền đáng lý ra được sử dụng trong nền kinh tế thì hiện đang bị đóng băng trong quỹ. Nếu coi số tiền này dùng để dự trữ phòng khi có thiên tai lớn thì cũng không thực sự chính xác” – đại diện cộng đồng DN nhận định – “Trong 5 năm qua, quỹ ở tất cả các địa phương đều có kết dư, số tiền chi trong năm luôn thấp hơn số tiền thu được trong năm đó. Như vậy, thực tiễn cho thấy nhu cầu và năng lực sử dụng quỹ rất thấp”.

Cụ thể, có 7 địa phương trong 5 năm qua chỉ thu chứ không chi quỹ, gồm Điện Biên (thu 8 tỷ), Yên Bái (thu 3,4 tỷ đồng), Hải Dương (thu 9,8 tỷ đồng), Hà Nam (thu 18 tỷ đồng), Ninh Bình (thu 10,5 tỷ đồng), Quảng Ngãi (thu 4,6 tỷ đồng), Lâm Đồng (thu 13,6 tỷ đồng). Có 7 địa phương khác có thu, nhưng số tiền sử dụng rất thấp, không đạt 10% so với số thu, gồm Bắc Kạn (thu 15 tỷ đồng, chi 37 triệu đồng), Vĩnh Phúc (thu 14 tỷ đồng, chi 712 triệu đồng), Hải Phòng (thu 47 tỷ đồng, chi 610 triệu đồng), Kon Tum (thu 10,6 tỷ đồng, chi 800 triệu đồng), Gia Lai (thu 13,4 tỷ đồng, chi 662 triệu đồng), Vũng Tàu (thu 26,7 tỷ đồng, chi 15 triệu đồng), Sóc Trăng (thu 7,5 tỷ đồng, chi 412 triệu đồng). Như vậy, các con số trên thấy một nguồn lực xã hội đáng kể (1.442 tỷ đồng) đang bị “đóng băng”.
 
DN không biết tiền đóng góp được sử dụng như thế nào

Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định các địa phương phải công khai thông tin về sử dụng quỹ và đây cũng là nội dung mà rất nhiều DN quan tâm vì họ muốn biết xem tiền đóng góp của mình có được sử dụng hiệu quả cho mục tiêu phòng tránh thiên tai hay không. Trên thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin của các địa phương rất kém.

Báo cáo số 200/BC-ƯPKP cũng cho thấy, chỉ có 42 tỉnh, thành nộp báo cáo về việc thu và sử dụng quỹ về Cục, tức là có nhiều địa phương không báo cáo trước cơ quan cấp trên, chứ chưa nói đến việc báo cáo trước người dân và DN. 

VCCI tiến hành tìm kiếm thông tin về báo cáo sử dụng quỹ tại website của các địa phương, nhưng chỉ có một địa phương (Bình Dương) có báo cáo chi tiết đến từng dự án/hoạt động sử dụng quỹ để DN và người dân có thông tin để giám sát trên thực tế. Có hai địa phương (Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh) có báo cáo về số tiền chi cho các quận, huyện, đơn vị trong tỉnh, nhưng không chi tiết từng hoạt động. Tất cả các địa phương khác không có thông tin báo cáo về việc sử dụng quỹ. Như vậy, người dân và DN dù phải đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền của mình được sử dụng thế nào.

“Từ phân tích trên có thể thấy, chính sách về Quỹ PCTT hiện tại chưa mang được nhiều tác dụng như kỳ vọng, nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Những điều này khiến nhiều DN không đồng tình, thậm chí bức xúc về Quỹ PCTT” – VCCI nhận định. Vì thế, cộng đồng DN đề nghị cần đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của chính sách Quỹ PCTT và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng chống rủi ro thiên tai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus