Đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công

09/06/2020 10:54

Kinhte&Xahoi Chính phủ đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Sáng nay, 9/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 03 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước vì 1 số lý do.

Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính.

Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng.

Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công.

Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án; đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.

Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 2 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 2 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).

Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 2 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với 2 dự án thành phần này tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.461 tỷ đồng).

Ngoài ra, cả 3 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng , vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.

Về kiến nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia.

Vì vậy khi điều chỉnh nội dung của Nghị quyết này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định, hơn nữa việc thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công còn phải cân đối bổ sung vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đây cũng là quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công. Do đó, kiến nghị nêu trên là chưa phù hợp.

Về kiến nghị cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 52 và trong quá trình triển khai thời gian qua thì 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trong trường hợp cả 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.

Về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh và nội dung khác, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo dự toán đã được phê duyệt của Dự án và số vốn kết dư từ 2 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn để Quốc hội có cơ sở cân đối và phân bổ cho việc điều chỉnh trong trường hợp các dự án thành phần được chuyển đổi, tránh phải nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn sau.

Trường hợp các dự án thành phần được cho phép chuyển đổi, đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, nên khi dự án phải chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển của dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia các dự án thành phần khác.

Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, dù QH đã ban hành Nghị quyết 52 cho phép các dự án thành phần được áp dụng cơ chế triển khai độc lập, nhưng đến nay đã gần hết kỳ kế hoạch 2016 - 2020 tiến độ thực hiện Dự án vẫn chậm, do đó, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án.

Đặc biệt, đối với các dự án thành phần nếu được chuyển đổi cần bảo đảm tiến độ triển khai theo đúng dự kiến tại Tờ trình của Chính phủ, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua.


 Mai Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-xuat-chuyen-doi-3-du-an-thanh-phan-du-an-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-d126573.html