Đề xuất người gây bạo lực gia đình phải "trồng cây, dọn đường làng, ngõ xóm"

16/08/2022 14:40

Kinhte&Xahoi Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất áp dụng biện pháp lao động công ích như trồng cây, dọn vệ sinh nơi công cộng đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo

Ngày 16/8, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” để phòng, chống bạo lực gia đình

 Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.

“Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết”, bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Uỷ ban Xã hội nhận thấy, “lao động phục vụ cộng đồng” được quy định là biện pháp giáo dục, cải tạo người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án (Điều 101 Luật Thi hành án hình sự) và “lao động trị liệu” là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma tuý (Điều 29 Luật Phòng, chống ma tuý). “Lao động phục vụ cộng đồng”, “lao động trị liệu” không bị coi là “lao động cưỡng bức”.

Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế cho thấy thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Điều 33 dự thảo khẳng định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các công việc phục vụ cộng đồng gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Dự thảo giao Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng trên cơ sở đề xuất của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình hoặc Tổ hòa giải ở cơ sở và theo nhu cầu của cộng đồng.

Biện pháp này không áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi bạo lực gia đình này.

Vợ lấy thẻ ATM của chồng có là bạo lực gia đình?

 Góp ý về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị đánh giá tác động và làm rõ cách thức tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi của biện pháp này, cũng như rà soát để đảm bảo phù hợp công ước quốc tế về chống lao động cưỡng bức vì “nói không phải cưỡng bức lao động nhưng buộc người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Tuy nhiên đây là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ tác động trên các khía cạnh: Bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam; xem xét quy định loại trừ đối với một số trường hợp và bảo đảm tính khả thi của quy định trong tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn về điều định nghĩa hành vi bạo lực gia đình. Tại điểm e điều 3 dự thảo luật nêu ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết khi thảo luận tổ có ý kiến đại biểu Quốc hội chỉ ra việc "Có con, cháu 16 - 17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà cùng nhóm bạn đi chơi song gia đình không cho. Khi gia đình không cho đi thì con cháu tố cáo là bị bạo lực gia đình thì có đúng không?".

Hay như quy định về cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, ông Cường nêu thực tế, rất nhiều bố mẹ, gia đình ngoài việc học chính thống ở trường sẽ bắt con đi học thêm suốt. "Những hành vi đó mà con tố cáo thì việc bố mẹ thường xuyên đưa con đi học có phải hành vi bạo lực gia đình không?", ông đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng phân tích về việc cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng được coi là bạo lực gia đình. Về điều này, ông Cường cho hay ở nước ngoài mặc dù là vợ chồng nhưng không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng.

Ông dẫn chứng, ở Việt Nam, vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn ATM của chồng có phải bạo lực gia đình không?.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, những vấn đề liên quan đến hành vi bạo lực rất khó, Bộ và các cơ quan liên quan đã cố gắng để nhận diện, cơ bản bao quát được tình hình, diễn biến các hành vi bạo lực gia đình để quy định trong dự thảo luật. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để các quy định trong dự thảo bảo đảm tính khả thi cao.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-xuat-nguoi-gay-bao-luc-gia-dinh-phai-trong-cay-don-duong-lang-ngo-xom-203620.html