Di dời trụ sở 13 bộ, ngành: Sử dụng những khu “đất vàng” sao cho hiệu quả?

06/06/2019 15:17

Kinhte&Xahoi Việc di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô đang được Bộ Xây dựng ráo riết thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều dư luận quan tâm nhất lúc này không phải vị trí trụ sở mới di dời đến đâu mà khối tài sản “đất vàng” của trụ sở cũ sẽ được sử dụng sao cho có hiệu quả.

Nhà nước chi hàng trăm tỷ đồng cho xây trụ sở mới 18 tầng nhưng Bộ TN&MT vẫn giữ trụ sở cũ ở 83 Nguyễn Chí Thanh

Điều đáng nói, bài học nhãn tiền cho thấy, nhiều tài sản công là “đất vàng” của nhiều cơ quan Nhà nước sau khi dời trụ sở vẫn được các đơn vị này giữ lại, sử dụng thiếu hiệu quả hoặc biến thành các tòa cao ốc văn phòng, thương mại, chung cư.

7 bộ, ngành xây trụ sở mới vẫn giữ trụ sở cũ

Báo cáo của Chính phủ hôm 21/5 vừa qua tại kỳ họp Quốc hội cho thấy, có đến 7 bộ, ngành vẫn giữ trụ sở cũ dù đã xây trụ sở mới. Cụ thể, một số bộ, cơ quan T.Ư như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Ngoại giao đã có trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ. Lý do mà các đơn vị trên giữ lại trụ sở cũ vì cho rằng khi xây trụ sở mới, các bộ, ngành chưa xác định sát nhu cầu thực tế khi xây trụ sở mới, dẫn đến thiếu chỗ sau khi trụ sở mới xây xong.

Theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô là hợp lí, cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hậu, sau khi di dời đến trụ sở mới thì các bộ, ngành này phải trả lại trụ sở cũ cho Nhà nước và có phương án sử dụng hiệu quả.

“Tôi không đồng ý với việc trụ sở mới đã được xây dựng nhưng nhiều bộ, ngành vẫn giữ lại trụ sở cũ”, vị kiến trúc sư nói và cho rằng điều này gây lãng phí tài sản công. Trăn trở của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam là có cơ sở và đang là vấn đề cần được Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ, ngành tháo gỡ, giải quyết.

Theo tìm hiểu của PLVN, trụ sở mới thường được xây dựng rộng rãi hơn trụ sở cũ, trên cơ sở đã được tính toán cẩn thận trước khi xây. “Không thể có chuyện trụ sở mới không đủ diện tích; chẳng qua họ muốn giữ lại những mảnh “đất vàng” mà thôi”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết.

Theo khảo sát của PLVN, mặc dù Bộ TN&MT đã có trụ sở mới tại số 10 Tôn Thất Thuyết (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tòa nhà khang trang 18 tầng, chi phí xây dựng nhiều trăm tỷ đồng nhưng Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ tại số 83 đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình, Hà Nội). Hiện nay, trụ sở cũ với diện tích hàng chục nghìn m2 này là trụ sở của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Nhà xuất bản TN&MT  và Bản đồ Việt Nam… (những đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT).
 
Không nên xây chung cư ở trụ sở cũ

Ngoài việc trả lại trụ sở cũ cho Nhà nước, nhiều ý kiến còn lo ngại việc “đất vàng” tại nhiều trụ sở cũ sẽ biến thành các tòa nhà văn phòng, thương mại, chung cư. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông – đô thị Việt Nam nên có cơ chế để không biến những trụ sở cũ các bộ, ngành mới được di dời thành các cao ốc văn phòng, chung cư. “Mục đích quan trọng nhất của việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội thành là giảm áp lực giao thông, thuận tiện cho người dân mà nay xây chung cư, dân đến ở còn đông hơn thì không hợp lí, phá vỡ mục đích tốt đẹp của việc di dời”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, việc này cần sự thống nhất cao, quyết liệt giữa các bộ, ngành liên quan và chính quyền Hà Nội. “Bến xe Lương Yên là bài học nhãn tiền. Bến xe này bị xóa sổ để thay vào đó là các tòa nhà văn phòng, chung cư. Nếu di dời trụ sở cũng như thế là không được, là có lợi ích riêng, không tốt cho quy hoạch và sự phát triển chung của đô thị Hà Nội”, ông Thủy lấy ví dụ.

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, Nhà nước phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô thì phải mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. “Các trụ sở cũ của các bộ, ngành sau di dời cần tính toán sử dụng cho hợp lý, tránh việc xây chung cư, di dời một người đi rồi đón cả mười người về. Như thế sẽ không hiệu quả về mặt xã hội, gây bất bình dư luận”, TS Thủy nói.

Thời gian qua, nhiều diện tích “đất vàng” của Nhà nước sau khi thu hồi cũng “lọt vào tay” tư nhân để biến thành trung tâm thương mại.

“Sau khi các trụ sở bộ, ngành được di dời, những khu “đất vàng” tại trụ sở cũ cần được quản lý, đấu giá công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả”, vị chuyên gia giao thông - đô thị cho biết.

Theo Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…