Dịch bệnh Virus Corona: Bộ Nông nghiệp họp khẩn về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

03/02/2020 16:13

Kinhte&Xahoi Chiều nay 3/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì họp bàn khẩn về tình hình thương mại nông sản Việt – Trung với đại diện các Bộ, ngành trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ; Văn phòng Chính phủ (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Vụ Nông nghiệp); Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc (Vụ Đông Bắc Á, Vụ Tổng hợp kinh tế); Lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc (Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Thị trường trong nước); Lãnh đạo Bộ Y tế.

Về phía địa phương, sẽ có đại diện lãnh đạo UBND 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu tham dự cùng lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.

Thanh long đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh do virus Corona (nCoV) gây ra. Ảnh: Đình Huệ

Theo thông tin cập nhật đến sáng ngày 3/2, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 362 người chết, trong đó đã có người đầu tiên chết ngoài Trung Quốc (tại Philipinese), hơn 17.000 người nhiễm. Tại Việt Nam đã có 8 người mắc, trong đó có 5 người Việt Nam.

Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, hàng trăm contener chở các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: thanh long, dưa hấu… đang chịu cảnh ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu. Tại các vùng trồng, giá mua các loại nông sản đang sụt giảm thê thảm mà vẫn vắng khách đến thu mua.

Trước đó, chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây ra, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) hủy 300 container thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn.

"Phía công ty đã có thiện chí hỗ trợ 50 triệu/container, nhưng so với giá trị chưa tương xứng”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo vào cuộc chủ động, không chủ quan vì dịch bệnh là bất khả kháng. Bộ trưởng mong muốn bà con bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình”.

Theo ông Toản, mặc dù cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa trở lại ngày 3/2, nhưng Trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) - địa bàn trung chuyển- lại thông báo nghỉ giao dịch đến hết 8/2. Cùng với đó, các chợ dọc biên giới các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng hạn chế giao dịch đến 8/2.

“Các cửa khẩu quốc tế sẽ quay trở lại làm việc từ 3/2. Hàng hóa vẫn chạy sang, nhưng chợ đầu mối vẫn chưa mở, người chưa đến; đến rằm tháng Giêng (8/2) mới mở thì sẽ gặp chênh lệch thời gian. Dự báo, tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn” - Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Theo Tổ chức Thương mại thế giới, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (rau quả 9-10 tỷ;  thủy sản 8-10 tỷ; thịt và sữa 9-10 tỷ; gạo 2-2,5 tỷ…).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.

Trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 12,5%. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm sâu sau nhiều năm tăng trưởng khá (năm 2018 giảm 5,5%, 11 tháng năm 2019 tiếp tục giảm 5,85% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6,31 tỷ USD).

Nguyên nhân do phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác..., đồng thời tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới. Trong khi đó, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu như truy xuất  nguồn gốc,  quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác.

Trong các cuộc họp bàn để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, các nhà quản lý luôn khuyến cáo các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cần sớm thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng và kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân" sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.

9 loại quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

Tính đến nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.

Yêu cầu chung về quả tươi nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc là: Hàng hóa phải từ các vườn trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; Không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; Phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.

Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã dành sự quan tâm đặc biệt để khai mở thị trường đầy tiềm năng này với việc xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, rồi tiếp tục đàm phán mở cửa nhiều mặt hàng khác như sầu riêng, khoai lang tím, thạch đen (sương sáo)… để tăng cường giao thương chính ngạch giữa hai nước.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục BVTV cho thấy, đối với thị trường Trung Quốc, đến nay Bộ NN&PTNT đã cấp 1.567 mã số vùng trồng mới đối với 8 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít) và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói mới.

Riêng măng cụt, đã cấp 1 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói măng cụt xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục BVTV hiện vẫn đang tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương/doanh nghiệp. 


(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/dich-benh-virus-corona-bo-nong-nghiep-hop-khan-ve-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-d116435.html