Dịch Covid-19: Chuẩn bị ứng phó với tình huống khó khăn hơn trong mùa đông

14/11/2020 17:51

Kinhte&Xahoi Ngày 13/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 13/11 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện rất căng thẳng. Mấy tuần gần đây, mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 500.000 ca, và có ngày vượt lên trên 600.000 ca, đặc biệt là số người tử vong có ngày lên đến 10.000 ca.

Tốc độ lây lan hiện nay của dịch bệnh COVID-19 buộc nhiều nước quay lại phong toả, giãn cách, gây khó khăn phát triển kinh tế - xã hội.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh thời điểm này phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan thì rất nguy hiểm. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa bởi sắp tới sẽ là “mùa đông khốc liệt”, đặc biệt vào thời điểm Tết nguyên đán.

Nhấn mạnh không thể chắc chắn, đảm bảo không có ca lây nhiễm mới trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị với tình huống khó khăn hơn trong mùa đông.

Liên quan đến công tác cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hiện có nhiều hình thức cách ly, tuy nhiên, cách ly trong quân đội vẫn có vai trò chủ chốt, chưa phát hiện lây nhiễm chéo trong khu vực này. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế kiểm tra cơ sở lưu trú cách ly người nhập cảnh đã phát hiện một số nơi chưa bố trí khu cách ly biệt lập, thiếu các biển cảnh báo hoặc chưa rõ, chưa có khu gom rác thải riêng, nhân viên chưa thực hiện đầy đủ việc cài đặt các phần mềm phục vụ truy vết,…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế đã hướng dẫn rất kỹ nếu khách sạn, cơ sở lưu trú không thực hiện đầy đủ thì lập tức dừng không cho thực hiện cách ly.

Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế sẽ ban hành “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại”; áp dụng cho tất cả các đối tượng có thể đi/về Việt Nam trên chuyến bay thương mại từ các quốc gia an toàn. Quy trình sẽ hướng dẫn cụ thể từ trước khi nhập cảnh, trên máy bay, cửa khẩu; di chuyển về khu cách ly; tại nơi cách ly và nơi lưu trú; theo dõi sức khỏe trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, hiện nay tình trạng khám chữa bệnh tại các bệnh viện quay trở lại gần như bình thường nên việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện là khó khăn nhưng các biện pháp như khẩu trang, sát khuẩn tay, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ… được thực hiện rất nghiêm ngặt.

Đối với việc cập nhật thông tin lên lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn), Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung làm nhanh hơn nữa. Bộ Y tế phải chỉ đạo trong tuần tới, tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt các trạm y tế, phòng khám tư nhân, phải tự kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch, không an toàn không được hoạt động. Mặc dù có thể những cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa phải mất thêm thời gian để đáp ứng đầy đủ yêu cầu an toàn phòng chống dịch nhưng phải tự kiểm tra, rà soát ngay từ lúc này. Tất cả các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 theo thời gian thực.

Tương tự, Bộ GD&ĐT phải đốc thúc các địa phương, chỉ đạo tất cả các trường học cập nhật ngay tình hình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chống dịch.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo triển khai rất quyết liệt ở cơ sở và đến ngày 16/11, tất cả các cơ sở lưu trú sẽ cập nhật việc thực hiện bộ tiêu chí bảo đảm an toàn phòng chống dịch lên bản đồ chống dịch.

Trong tuần tới, Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, ban hành rất sớm bộ tiêu chí bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, trong các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cập nhật lên bản đồ chống dịch.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc yêu cầu cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch không chỉ bắt buộc các cơ sở thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn mà còn có tác dụng lan toả tâm lý không chủ quan, lơ là ra toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề vaccine, hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán, thương thuyết với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vaccine COVID-19”, các chuyên gia đề nghị một mặt chúng ta đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vaccine, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới; mặt khác phải chủ động những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả từ trước đến nay, đặc biệt ưu tiên ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ công tác cách ly, giám sát y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh. Các chuyên gia tiếp tục cảnh báo ở trong nước không chỉ  người dân mới có tâm lý chủ quan, lơ là.

Tinh thần chung là chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như chúng ta đã làm trước đó. ‘Dĩ bất biến, ứng vạn biến’, phải giữ vững các nguyên tắc, quan điểm; tăng cường ngăn chặn, phòng chống dịch, không được lơ là.

Đến giờ phút này công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, thuốc men, tập huấn cho công tác phòng chống dịch đã được làm tốt nhưng điều đáng lo ngại nhất là thời gian chúng ta không có ca bệnh trong cộng đồng dẫn đến tâm lý chủ quan, vì vậy, biện pháp lớn nhất là phải siết chặt lại các biện pháp phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ tổ chức diễn tập về phòng chống dịch ở tất cả các khâu, từ kiểm soát nhập cảnh đến khi cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát y tế tại địa phương; cử tiếp các đoàn đi kiểm tra tại cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly…

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dich-covid-19-chuan-bi-ung-pho-voi-tinh-huong-kho-khan-hon-trong-mua-dong-d140640.html