“Doạ” trả dự án thu phí tự động cho Nhà nước, VETC đừng đùa!

14/11/2019 15:23

Kinhte&Xahoi VETC “đừng đùa” khi dọa trả thu phí tự động cho Nhà nước. Dự án triển khai căn cứ vào hợp đồng, nếu không đảm bảo tiến độ nhà đầu tư sẽ bị phạt.

Mới đây, lãnh đạo Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) có văn bản gửi Bộ GTVT “dọa” Bộ GTVT là xin trả dự án thu phí tự động giai đoạn 1 cho Bộ GTVT vì phải đối mặt với nguy cơ phá sản hoặc Nhà nước cùng chịu rủi ro với doanh nghiệp?

Thu phí không dừng ETC có nguy cơ phải dừng, đổ vỡ. Nguyên nhân của sự việc trên chính là do mâu thuẫn, xung đột quyền lợi giữa các bên liên quan.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu nói nổi tiếng “Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước” của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính trong một lần họp về điều hành giá xăng dầu năm 2011.

VETC cố tình gây nhiễu dư luận?

Do chậm tiến độ, doanh thu không đạt như phương án tài chính, Công ty VETC (đơn vị triển khai thu phí tự động giai đoạn 1 tại 44 trạm thu phí BOT trên cả nước), đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị trả dự án; hoặc chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư khác có tiềm lực hơn. Nếu nhà đầu tư này tiếp tục triển khai, Bộ GTVT sẽ phải có cơ chế bù lỗ.

Trả lời báo chí, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty VETC cho biết, với tiến độ giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động, đơn vị đã lắp đặt thiết bị và vận hành tại 26 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, chưa triển khai được trên các tuyến cao tốc, như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các tuyến do VEC và Vidifi quản lý. Ngoài ra, tới nay mới có 812.000 xe đã dán thẻ Etag (toàn quốc có hơn 3 triệu ô tô). Trong đó, cũng chỉ khoảng 30% xe dán thẻ nạp tiền sử dụng dịch vụ.

Dự án triển khai căn cứ vào hợp đồng, nếu không đảm bảo tiến độ nhà đầu tư sẽ bị phạt. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dự án cũng vướng mắc về trong ký hợp đồng, mức phí trích lại cho Cty VETC, một số dự án chưa triển khai được, trong khi tỷ lệ xe sử dụng quá thấp so với phương án tài chính...khiến đơn vị thu phí gặp khó khăn. Từ đó, doanh nghiệp này mới có văn bản gửi Bộ GTVT.

Lý giải về văn bản đề xuất trả dự án cho Bộ GTVT, ông Vinh nói: “Do đầu tư nhiều, nhưng doanh thu thu phí thấp, nên gửi văn bản cho bộ để tìm giải pháp hiệu quả hơn cho dự án, không phải dừng dự án hay phá sản”.

Theo văn bản của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng BOO thu phí không dừng trước thời hạn nêu rõ: Lỗ lũy kế của công ty này đến 30/9/2019 là 300 tỷ đồng, do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch.

Hiện nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tasco) đã phải bù số tiền lỗ trên để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Kể cả hết năm 2020 triển khai được 36 trạm thu phí, doanh nghiệp vẫn lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng.

Sắp đến thười hạn kết thúc giai đoạn 1 dự án thu phí tự động không dừng, nhưng tới nay mới lắp đặt hệ thống thu phí tự động tại 27/44 trạm thu phí.

Đưa ra các con số này, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, VETC cũng đề xuất giải pháp khác là phối hợp với Bộ GTVT và báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo, hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong tháng 12/2019...

Đại diện doanh nghiệp này cũng kỳ vọng, với việc Tổng cục Đường bộ phân làn, phối hợp xử lý tài xế không sử dụng dịch vụ (nhưng vẫn đi vào làn thu phí tự động...) từ ngày 11/11 vừa qua các xe sử dụng tăng lên, dự án sẽ hiệu quả hơn.

Đừng đùa với Nhà nước, VETC!

Tại buổi ra quân tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện giao thông đi đúng làn thu phí tự động ETC và thu vé lượt trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang ngày 11/11 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, hiện chưa có văn bản nào giãn tiến độ triển khai thu phí tự động (phải xong trước 31/12/2019). Do đó, Tổng cục ĐBVN vẫn yêu cầu Công ty VETC đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký.

“Chúng tôi cũng nhìn nhận dự án có nguy cơ chậm tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã chỉ rõ. Nếu không nỗ lực sẽ không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Thắng nói.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, nhà đầu tư VETC vẫn phải thực hiện hợp đồng đã ký kết, không có chuyện xin trả lại dự án.

Với giai đoạn 2 của dự án thu phí tự động, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, hiện đơn vị đứng đầu liên danh trúng thầu là Viettel đang gặp vướng mắc về lập doanh nghiệp dự án, phải đợi Thủ tướng quyết định.

“Dự án thu phí tự động rất đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ cũng như tính pháp lý, lần đầu áp dụng tại Việt Nam lại trên diện rộng, thời gian triển khai gấp rút. Do đó, vừa làm vừa gỡ vướng, giờ cố gắng cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Hiện tập trung vào triển khai dự án nhanh nhất có thể, còn việc kiểm điểm trách nhiệm ra sao sẽ làm sau”, ông Thắng nói.

Liên quan tới việc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đòi trả lại dự án thu phí tự động không dừng vì phải bù lỗ 300 tỷ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Không có chuyện doanh nghiệp muốn trả lại dự án là trả được, việc này gây nhiễu loạn dư luận".

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, với mục tiêu hiện đại hoá công nghệ thu phí, công khai minh bạch, tránh thất thoát, tiêu cực trong quá trình thu phí, từ năm 2017, khi được Chính phủ cho phép, Bộ GTVT đã áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng trên tất cả các trạm thu phí.

Đối với 44 trạm thu phí trên QL1 - đường cao tốc và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Giai đoạn 1 của kế hoạch trên được giao cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (liên danh giữa Công ty Cổ phần Tasco và Công ty Thu phí tự động VETC) làm thành dự án để thực hiện.

“Để dự án thu phí tự động không dừng đảm bảo đúng tiến độ, Bộ GTVT đã nhiều lần có các văn bản, cuộc họp tháo gỡ giữa nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, VETC vẫn triển khai chậm, chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số 44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí ETC”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Đây là dự án thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và trước khi thống nhất ký hợp đồng triển khai với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VETC đã khảo sát, tìm hiểu kỹ. Bộ GTVT làm việc theo đúng trách nhiệm và những điều khoản đã được ký trong hợp đồng, không có chuyện dự án chưa xong mà đơn vị cung cấp dịch vụ muốn dừng là được.

Dự án triển khai căn cứ vào hợp đồng, nếu không đảm bảo tiến độ nhà đầu tư sẽ phải chịu phạt.

Còn nhớ năm 2011, khi đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn là Bộ trưởng Bộ Tài Chính trong mọt lần điều hành giá xăng dầu, có doanh nghiệp xăng dầu cũng đã “dọa” kiểu tương tự. Rất khẳng khái, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chỉ mặt và nói “Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.

Liệu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có dám “chơi tới bến” với mấy doanh nghiệp làm ăn kiểu “tay không bắt giặc”, quen thói được thì ăn, thua thì đổ lên đầu dân và Nhà nước?

Để khuyến khích người dân sử dụng thu phí tự động, từ ngày 11/11, Tổng cục Đường bộ đã tổ chức ra quân, phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức phân làn, hướng dẫn để xe không sử dụng thu phí tự động không được đi vào làn thu phí này.

Sau thời gian tuyên truyền khoảng 1 tháng, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt xe vi phạm về lỗi không chấp hành biển báo, đi sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (mức phạt tối đa 2 triệu đồng, theo Nghị định 46/2016)./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/doa-tra-du-an-thu-phi-tu-dong-cho-nha-nuoc-vetc-dung-dua-d111118.html