Doanh nghiệp tích cực chống hàng giả

28/11/2020 11:34

Kinhte&Xahoi Dù tốn rất nhiều nguồn lực trong cuộc chiến với hàng giả nhưng vì uy tín, thương hiệu của mình, nhiều doanh nghiệp đã tích cực vào công việc đầy khó khăn này.

Một sản phẩm làm giả hàng hóa do Eurostar phân phối độc quyền.

Chặn từ cửa khẩu 

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Lê Thế Bảo từng chia sẻ, ông rất bất ngờ khi biết thông tin nhiều doanh nghiệp (DN) e ngại khi biết sản phẩm của mình có hàng giả, chỉ vì lo người tiêu dùng sẽ tẩy chay.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện các cuộc tuyên truyền và nhận thức ngày càng rõ, nhiều DN thậm chí đã chủ động vào cuộc phòng chống hàng giả, để vừa bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình, vừa giúp người tiêu dùng được sở hữu những sản phẩm chất lượng. 

Bà Nguyễn Thị Quyên, Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết, các loại hàng giả xuất hiện khắp các tỉnh thành và ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) gây ảnh hưởng cực lớn đến uy tín, thương hiệu chính hãng.

Do đó, Panasonic phải thường xuyên duy trì hoạt động khảo sát thị trường online/offline để nắm bắt tình hình hàng giả về xu hướng cũng như địa bàn hay xuất hiện hàng giả để có hành động thích hợp.

Công ty này thường xuyên làm việc với cơ quan hải quan để ngăn chặn tại biên giới, thông qua biện pháp kiểm tra tại chỗ. Kết quả cho thấy, hầu hết các loại hàng giả của Panasonic đều nhập khẩu qua cửa khẩu của Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh). 

Ngang nhiên hơn, hãng còn phát hiện ra một phòng trưng bày và sử dụng nhãn hiệu Panasonic trái phép ở TP HCM. Cửa hàng này quảng cáo như là nhà phân phối chính thức của Panasonic thông qua sử dụng logo và tên Panasonic trên danh thiếp, trang web, catalougue và facebook pages. Đến khi phát hiện ra, đại diện nhãn hàng đã ngay lập tức phối hợp với lực lượng quản lý thị trường TP HCM để xử lý. 

Tự điều tra…

Nghiệp vụ không có nhưng vì quá bức xúc với tình trạng hàng giả mà Công ty CP Ngôi sao châu Âu (Eurostar - đơn vị chuyên nhập khẩu các sản phẩm mỹ phẩm) đã phải thành lập Ban chuyên trách rà soát, phát hiện các điểm bán hàng nhập lậu ngoài thị trường cũng như trên các trang TMĐT và các trang mạng xã hội; Đồng thời tiến hành thâm nhập đường dây mua bán, xác minh hàng hoá nhằm cung cấp đến các cơ quan chức năng thực thi pháp luật thông tin chính xác nhất, bằng chứng cụ thể để có thể sớm xử lý các đối tượng vi phạm. 

Ông Ngô Sỹ Nghị, Phó Tổng giám đốc Công ty này cho biết, DN của ông phải đối mặt với hàng nhập lậu, hàng cận date, thanh lý kém chất lượng được nhập lậu từ nước ngoài về từ năm 2012. Hàng lậu, hàng kém chất lượng này đang được chào bán công khai ngoài thị trường, thậm chí có cả chuỗi bán lẻ lớn tại Hà Nội và một số tỉnh.

Mới đây, Eurostar đã phối hợp Đội QLTT số 28 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm bán của chuỗi cửa hàng Hàng Tiêu dùng châu Âu - Good Goods EU với 7 điểm bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Tại đây đã phát hiện gần 2.000 sản phẩm bày bán không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ trong đó có mặt hàng sữa tắm nước hoa, kem dưỡng da Tesori dOriente (nhãn hiệu đã được Eurostar đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam). 

Ngoài ra, Eurostar còn gửi công văn và các giấy tờ liên quan đến sản phẩm và quyền sở hữu trí tuệ đến các trang TMĐT như Sendo, Shopee về hành vi bán hàng nhập lậu của các gian hàng trên 2 sàn này. Sau khi tiếp nhận và xác minh 2 sàn cũng đã hợp tác cho đóng các gian hàng bị phát hiện nhưng số lượng còn hạn chế. 

“Điều mà chúng tôi đang gặp khó khăn là các đối tượng bán online, livestream trên facebook, zalo do đối tượng thực hiện tại nhà riêng. Mặc dù chúng tôi theo dõi, giao dịch mua hàng và gửi thông tin bằng chứng buôn bán số lượng lớn đến cơ quan chức năng nhưng gặp nhiều khó khăn như sự chưa sẵn sàng phối hợp của các cơ quan chức năng…” - ông Nghị nói.

Nghiêm trọng hơn, năm 2017 Eurostar còn phát hiện 2 công ty làm giả giấy tờ của cơ quan chức năng Italia và Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài để trình Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xin giấy phép công bố mỹ phẩm rồi thông qua các công ty “ma” của Việt kiều tại Châu Âu thu gom hàng thanh lý của siêu thị rồi nhập khẩu về Việt Nam. 

Sau nhiều tháng tìm hiểu và theo dõi, Eurostar phát hiện và gửi công văn đến các đơn vị chức năng nhưng không hiểu sao một trong 2 công ty này biết thông tin và gửi đơn đến Cục Quản lý Dược xin được rút giấy công bố với lý do không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh các sản phẩm nữa?

“Dù kết quả của việc tự chủ động phòng chống hàng gian lận thương mại còn rất hạn chế nhưng để bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của DN chúng tôi vẫn kiên trì  tự theo dõi, điều tra và sau đó gửi đơn thư tố giác đến các cơ quan thực thi pháp luật với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng” - ông Nghị khẳng định. 

 Kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả 29/11

Ngày 27/11, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11). Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, cuộc đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại không còn là trách nhiệm của một ngành mà là của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Do đó, VATAP cần tập trung nghiên cứu tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật, phối hợp với nhà sản xuất, người tiêu dùng để điều tra, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày Phòng chống hàng giả bắt đầu từ năm 2007 khi Chính phủ đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm làm Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/doanh-nghiep-tich-cuc-chong-hang-gia-d141892.html