'Đóng cửa' bầu trời: Hàng không liêu xiêu, bi đát

25/03/2020 16:47

Kinhte&Xahoi Trước tác động lây lan của dịch bệnh, hầu hết đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam khai thác đã và sẽ phải tiếp tục tạm dừng. Điều này gây thiệt hại cho các hãng hàng không, doanh nghiệp mặt đất. Tất cả đều liêu xiêu, vì doanh thu, lợi nhuận và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Tàu bay xếp hàng dài tại sân bay Nội Bài. ảnh: Hữu Việt

Dừng bay

Ngày 23/3, sân bay Nội Bài (Hà Nội) - cửa ngõ đón khách quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam ghi nhận số chuyến bay quốc tế đến và khách quốc tế nhập cảnh giảm kỷ lục. Ban đầu có 12 chuyến bay tới, nhưng sau hủy 6 chuyến, chuyển hướng 2 chuyến, còn 4 chuyến với chỉ 276 khách hạ cánh xuống Nội Bài trong 1 ngày, tất cả đều là người Việt. 

Năm 2019, nếu như mỗi ngày “cửa ngõ” này phục vụ bình quân hơn 31.200 khách quốc tế đến, tấp nập người đi lại, xếp hàng làm thủ tục, xuất/nhập cảnh; đường băng vào giờ cao điểm cứ mỗi 2 phút sẽ có chuyến cất và hạ cánh… thì nay, tất cả đã  được thay bằng sự vắng lặng. Ngày 23/3, tại các khu vực công cộng của sân bay Nội Bài, mọi thứ lặng như tờ, sân đỗ xếp hàng dài, từng nhóm tàu bay tạm dừng khai thác, nằm “ngủ im lìm”.

Nơi duy nhất của sân bay còn tấp nập là khu cách ly y tế.  Phía ngoài nhà ga T2, quang cảnh tắc xi nhộn nhịp nay gần như dừng hoạt động,  bởi toàn bộ khách quốc tế nhập cảnh đều được xe phòng dịch, thậm chí xe đặc chủng của quân đội đưa thẳng về nơi cách ly. 

Theo một báo cáo giữa tháng 2/2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sơ bộ các hãng thiệt hại do dịch bệnh khoảng 25.000 tỷ đồng. Tới đầu tháng 3, Bộ GTVT tính tiếp và nâng mức thiệt hại này lên 30.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng với Vietnam Airlines (VNA), chỉ dừng đường bay với Trung Quốc đại lục và giảm tần suất các đường bay khác đã bị thiệt hại khoảng 12.000 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận giảm 5.880 tỷ đồng; VNA chuyển từ có lãi sang lỗ hơn 4.300 tỷ đồng. Tương tự, Jetstar Pacific dự kiến hụt thu hơn 732 tỷ đồng. Các con số sẽ chưa dừng lại nếu tính thêm các đường bay quốc tế tiếp tục dừng khai thác từ đầu tháng 3 tới nay và chính sách khuyến cáo khách nội địa hạn chế đi lại. Để chống chọi, một số hãng đã giảm lương với lãnh đạo, khuyến khích nhân viên nghỉ không lương, nghỉ phép, đàm phán tạm dừng hợp đồng thuê tàu bay… 

Thiệt hại khôn lường 

Dù không có khách, các hãng vẫn phải bỏ chi phí. Trong đó, chi phí cố định lớn nhất là thuê tàu bay. Với dòng tàu bay thân rộng (A350, B787) tiền thuê và chi phí bảo dưỡng mỗi tháng khoảng 1 triệu USD/chiếc, tàu bay thân hẹp (A320, A321) khoảng 350.000 USD/tháng. Chi phí sân đỗ khoảng 13,5 triệu đồng/tháng/chiếc. Do dừng và giảm tần suất khai thác, tàu bay không làm ra tiền, nhưng các khoản chi phí vẫn phải trả, khi VNA có hơn 100 tàu bay, Vietjet trên 80 chiếc, Jetstar Pacific và Bamboo Airways mỗi hãng trên dưới 20 chiếc.

“Đa số tàu bay của các hãng hàng không là hợp đồng thuê dài hạn, nên dù không hoạt động vẫn phải trả phí thuê và sân đỗ. Các hãng có thể đàm phán dừng các hợp đồng thuê tàu bay mùa vụ, nhưng số này thường không nhiều”, một chuyên gia hàng không cho hay. 
 
Các hãng hàng không thiệt hại nặng do dừng, giảm khai thác vì dịch Covid-19, kéo theo các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ hàng không cũng hụt thu. Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự tính, khách qua 21 sân bay đơn vị đang quản lý trong năm 2020 sẽ giảm 40% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 70%. Do đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của ACV năm nay sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm trước (tương đương mức lãi dự kiến năm 2020 của DN này). 

Tương tự, với Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam (VATM), trong tháng 2 vừa qua, tổng số chuyến bay điều hành giảm gần 14.600 chuyến (giảm 40%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng các đường bay quốc tế đi/đến giảm hơn 3.400 chuyến (giảm 27%). Trong tháng 3 này, VATM dự kiến số chuyến bay điều hành tiếp tục giảm khoảng 47% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo doanh thu của VATM giảm tương ứng. 

“Không chỉ sản lượng điều hành bay giảm, các hãng hàng không cũng gặp khó về tài chính nên ảnh hưởng tới thanh toán tiền dịch vụ điều hành bay cho VATM. Hiện tại, một số hãng đang nợ tiền điều hành bay, một số đã đề nghị chậm thanh toán và giảm giá dịch vụ điều hành bay. Điều này gây khó khăn lớn cho hoạt động của tổng công ty”, lãnh đạo VATM cho hay.

Theo Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên VNA Phan Ngọc Linh, hiện tại, đoàn có gần 3.200 tiếp viên. Thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, bình quân VNA khai thác trên 400 chuyến/ngày, bây giờ chỉ duy trì khoảng 120 chuyến/ngày. Tổng công ty dự kiến tổng số chuyến bay thực hiện trong tháng 4 khoảng 2.000 chuyến, nhu cầu sử dụng tiếp viên hơn 200 người, số dôi dư sẽ phải sắp xếp lại.

Theo ông Linh, số tiếp viên dôi dư rất nhiều, đến nay đoàn bay chưa áp dụng biện pháp sắp xếp nhân sự nào, đợi tổng công ty cân nhắc các phương án, như giảm lương, hoãn hợp đồng, thực hiện nghỉ không lương luân phiên, hoặc chỉ trả lương bằng mức tối thiểu vùng… “Để chia sẻ khó khăn với hãng, một số tiếp viên đã tự nguyện nghỉ không lương, hoặc không nhận phần lương cứng. Chưa bao giờ hàng không bi đát như bây giờ”, ông Linh nói. 

Năm 2019, khách quốc tế tới Việt Nam qua đường hàng không khoảng 41,7 triệu lượt người, trong đó các thị trường khách lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), khu vực ASEAN. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chiếm thị phần từ 30 đến 73% (tùy thị trường). Nay, các đường bay đi/đến những thị trường này cơ bản đều đã dừng khai thác.

Hiện tại, các hãng hàng không của Việt Nam đã tạm dừng khai thác hầu hết đường bay quốc tế do dịch Covid-19. Cụ thể: Đường bay đi/đến: Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Anh. Từ ngày 24/3, VNA dừng đường bay Việt Nam - Đức; từ ngày 25/3 dừng thêm đường bay Việt Nam - Úc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/dong-cua-bau-troi-hang-khong-lieu-xieu-bi-dat-d120169.html