Dự án 43ha Tân Phú (Bình Dương): Chính quyền có đang "đánh tráo" khái niệm về đất công?

09/03/2020 10:08

Kinhte&Xahoi Chủ đầu tư dự án khu đô thị Tân Phú hiện bị thiệt hại nặng vì dự án bị Bình Dương tạm dừng các thủ tục pháp lý...

Từ ngày 19/2/2020, sau buổi họp báo đầu năm 2020, khi Công an tỉnh Bình Dương chính thức công bố thông tin đã khởi tố vụ án để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan khu đất dự án 43ha khu đô thị Tân Phú (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một), giới kinh doanh bất động sản xôn xao, lo ngại sự việc sẽ trở thành một “tiền lệ xấu” cho các nhà đầu tư. 

Chủ đầu tư dự án khu đô thị Tân Phú hiện bị thiệt hại nặng vì dự án bị Bình Dương tạm dừng các thủ tục pháp lý.

Trước đó, từ tháng 11/2019, Bình Dương đã tổ chức một cuộc gặp mặt cung cấp thông tin về việc “UBND tỉnh có văn bản chuyển sang công an để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng một số khu đất” tại địa phương, trong đó có khu đất 43ha trên. 

Gần hai tháng sau, công an khởi tố vụ án vào ngày 31/12/2019, nhưng phải qua gần hai tháng nữa mới chính thức công bố thông tin và đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị khởi tố bị can. Hậu quả lớn nhất trong sự việc này, là đến nay dự án nói trên bị rơi vào tình trạng “án binh bất động”, chủ đầu tư thiệt hại đủ đường.

Một trong những mấu chốt dẫn đến “lùm xùm” này là có quan điểm cho rằng diện tích đất trên là “đất công”, từng đứng tên một DN do Tỉnh ủy Bình Dương quản lý. Vậy thực chất sự việc thế nào và đúng sai khi đối chiếu với quy định pháp luật ra sao? 

Hai lần xác nhận khu đất “không có nguồn gốc vốn ngân sách cấp”

Theo hồ sơ, khu đất trên từng đứng tên Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương, do Tỉnh ủy Bình Dương quản lý). Trước đó, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án theo hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, DN này dùng vốn vay và vốn tự chủ trong kinh doanh để trả tiền nhận quyền sử dụng đất. Năm 2007, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản số 490CV/TU xác nhận rõ ràng khu đất “không có nguồn gốc vốn do ngân sách cấp”. 

TCT Bình Dương sau đó dùng 43ha đất hợp tác với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (trụ sở tại quận 1, TP HCM) thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú nhằm thực hiện triển khai dự án khu đô thị. Tân Phú có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, TCT Bình Dương góp 30% (60 tỷ) và Âu Lạc góp 140 tỷ (70%). Việc thành lập liên doanh này được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận tại Công văn 1830-CV/TU ngày 17/8/2010.

Năm 2016, khi tiến hành cổ phần hóa, TCT Bình Dương có văn bản đề nghị xin giữ lại khu đất 43ha để thực hiện cam kết liên doanh. TCT Bình Dương xin chỉ chuyển giao phần góp vốn 30% ở Tân Phú cho công ty kế thừa phần vốn của Tỉnh ủy Bình Dương. Ngày 29/8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản 407-CV/TU đồng ý với đề xuất của TCT Bình Dương, không chuyển giao khu đất 43ha, để tiếp tục thực hiện chủ trương tại Văn bản 1830-CV/TU.

Tháng 12/2016, TCT Bình Dương thực hiện như đúng thỏa thuận bằng việc chuyển nhượng 43ha đất với giá 250 tỷ đồng cho liên doanh Tân Phú. Một lần nữa Sở Tài chính có Văn bản số 3289/STC-TCDN xác định nguồn gốc tiền sử dụng đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Ngày 8/12/2016, Tân Phú trả đủ 250 tỷ cho TCT Bình Dương. Ngày 1/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp “sổ đỏ” cho Tân Phú đứng tên khu đất. 

Lúc này, tại dự án Tân Phú, TCT Bình Dương chỉ còn phần góp vốn 30%. Và ngày 13/3/2017, TCT Bình Dương tiếp tục có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp đó cho Âu Lạc.

Ngày 20/4/2017, Tỉnh ủy có Thông báo 287-TB/TU với nội dung: “Đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú cho Âu Lạc”. Ngày 2/8/2017, TCT Bình Dương chấm dứt các vai trò tại dự án khi chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh Tân Phú cho Âu Lạc với số tiền 161 tỷ.  

Ngày 16/08/2018, tại cuộc họp do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì, tất cả đều “thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Tân Phú là phù hợp quy định pháp luật, tình hình thực tế, có tình, có lý”. Nhưng hơn hai tháng sau, sáng 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương lại họp “quyết định thu hồi chủ trương đã cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú”.
 
“Không được suy luận kiểu bắc cầu rằng đó là “đất công”

Theo đơn của ông Nguyễn Quốc Hùng (GĐ Âu Lạc, công ty nhận chuyển nhượng vốn góp của TCT Bình Dương), từ đó cơ quan chức năng địa phương bắt đầu có những hoạt động bất thường với dự án, “khiến quyền lợi hợp pháp của DN bị xâm hại”. Đầu tháng 5/2019, Chủ tịch tỉnh ra quyết định thanh tra việc góp vốn và chuyển nhượng góp vốn tại dự án.

Theo ông Hùng: “Thời gian thanh tra bị kéo dài so với luật định (từ 8/5-21/11/2019). Sau khi đưa ra dự thảo kết luận thanh tra 3 lần và bị phản biện, khi chưa có kết luận chính thức, hồ sơ đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, trái với quy định tại Điều 39 và Điều 48 Luật Thanh tra”.

Vẫn lời ông Hùng: “Tại cuộc họp báo ngày 8/11/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy công bố: “Đoàn Thanh tra do UBND tỉnh thành lập đã phát hiện sai phạm tại vụ việc chuyển nhượng 43ha đất công”. Công bố như vậy, ai cũng thấy có hai vấn đề bất thường, sai sự thật: Thứ nhất, chưa có kết luận thanh tra, đã vội quy chụp; Thứ hai, 43ha đất đó chính Tỉnh ủy và Sở Tài chính đều đã xác nhận “không có nguồn gốc vốn do ngân sách cấp”, nên không phải là “đất công””. Tiếp theo đó là những động thái khác như đầu bài đã nêu.

Vậy 43ha đất trên có phải “đất công” hay không theo quy định pháp luật? Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM) giải thích: “Khái niệm về “đất công” trong Luật Đất đai năm 2003 và 2013 không có. Thế nào là đất công, chưa có định nghĩa rõ ràng.

Tuy nhiên có thể hiểu đất công là đất chỉ sử dụng vào các mục đích công cộng, xây dựng các công trình Nhà nước, an ninh quốc phòng, đất nghĩa trang, đất chưa sử dụng, đất nhà nước chưa cho thuê, hoặc các quỹ đất được nhà nước quản lý bằng quy định pháp luật”.

“Như vậy có thể thấy, 43ha này dù trước đây đứng tên TCT Bình Dương, nhưng không thuộc các trường hợp trên nên không phải là đất công”, Luật sư Nghĩa nói.

Vậy có thể lập luận trong quá khứ “quyền sử dụng khu đất 43ha là tài sản của TCT Bình Dương, trong khi đó Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu DN này, nên 43ha này cũng chính là tài sản của Nhà nước”? Luật sư Nghĩa giải thích: “Theo quy định tại Luật DN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thì tài sản nhà nước tại DNNN hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập, là quyền sử dụng đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản được hình thành từ NSNN mà có.

Quyền sử dụng diện tích 43ha này đã nhiều lần được Bình Dương xác nhận, khẳng định “không có nguồn gốc vốn ngân sách cấp”. Vì vậy trong quá khứ, đây là tài sản của TCT Bình Dương, nhưng không được suy luận kiểu bắc cầu rằng đó là “đất công hoặc là tài sản nhà nước mà chỉ có thể xem là tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

Vì như phân tích nêu trên, 43ha đất này không phải đất do nhà nước giao không thu tiền và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không có nguồn gốc từ NSNN”. Nói như vậy là đánh tráo khái niệm, suy diễn quy định, áp dụng sai luật pháp”, Luật sư Nghĩa nói.

PLVN sẽ tiếp tục phân tích các khía cạnh pháp lý sự việc này trong các số báo sau.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/du-an-43ha-tan-phu-binh-duong-chinh-quyen-co-dang-danh-trao-khai-niem-ve-dat-cong-d118963.html