Dự án bất động sản 27 năm bất động

13/11/2020 18:07

Kinhte&Xahoi Trong khi 3 dự án Sài Gòn Centre I, II, III đã hoàn thành đi vào hoạt động, thì 2 dự án Sài Gòn Centre IV, V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 1993 nhưng sau 27 năm vẫn nằm “bất động”.

Một góc Sài Gòn Centre.

27 năm không triển khai 

Dự án Sài Gòn Centre tại số 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM, ban đầu được Bộ KH&ĐT cấp Giấy phép đầu tư ngày 19/6/1993 cho Cty TNHH FPSL Watco. Cuối 1996, Watco phân chia thành 5 Cty riêng biệt và đổi tên thành các Cty TNHH Keppel Land Watco –I, II, III, IV, V; thực hiện dự án Sài Gòn Centre (Dự án) I, II, III, IV, V. 

Đối với mỗi dự án, bên Việt Nam trong liên doanh góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng khu đất. Bên Việt Nam nhận nợ và hoàn trả số tiền thuê đất vào NSNN theo quy định. Theo Giấy chứng nhận đầu tư, thời hạn hoạt động của mỗi Dự án là 50 năm từ 19/6/1993. Hết thời hạn trên, toàn bộ giá trị tài sản cố định của Cty liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam. 

Báo cáo của Bộ KH&ĐT mới đây cho biết, hiện các hạng mục dự án I, II, III đã hoàn thành đi vào sử dụng, trở thành những trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê có thương hiệu tại TP HCM, được thuê bởi các cơ quan ngoại giao, tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. “Các dự án này đều đạt kết quả kinh doanh tốt và có đóng góp vào NSNN”, báo cáo nêu. 

Tuy nhiên, 2 dự án còn lại là Sài Gòn Centre IV, V, dù đã trải qua nửa thời gian hoạt động (27 năm) nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Nguyên nhân được cho là chủ đầu tư chưa được bàn giao đủ mặt bằng theo GCN đã được cấp từ 1993.  

Lưu ý của Bộ Tư pháp

Theo tìm hiểu của PV, các bên Việt Nam trong liên doanh được xác định là TCty Đường sông miền Nam và TCty địa ốc Sài Gòn. Dự án IV có diện tích thuê 3.376m2; dự án V là 5.247m2. Số diện tích này đã được 2 đối tác bên Việt Nam ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính Nhà đất TP (nay là Sở TN&MT) để có cơ sở vốn góp vào liên doanh. 

Năm 2000, mặc dù hai Cty TNHH Keppel Land Watco IV, V đã được cấp GCN với thời hạn thuê đất 50 năm, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được bàn giao đủ mặt bằng là 6.062m2 để triển khai xây dựng. Phần diện tích trên không bàn giao cho chủ đầu tư được vì 4 đơn vị thuộc Bộ GTVT gồm Văn phòng Thường trực Bộ GTVT phía Nam, Cty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam, Cty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Công trình, Cty CP Hàng hải Đông Đô đang sử dụng. 

Theo UBND TP, địa phương đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc phối hợp Bộ GTVT về việc thực hiện thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ di dời tại khu đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa thống nhất được phương án và nhà đầu tư chưa có mặt bằng sạch để triển khai đầu tư.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư cấp từ 1993, mỗi dự án có thời gian hoạt động 50 năm. Do hai dự án IV, V để quá một nửa thời gian hoạt động không triển khai nên thời gian khai thác thực tế còn lại chỉ còn hơn 20 năm. Cho rằng điều này ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh và quyền lợi của nhà đầu tư nên tháng 6/2019, UBND TP có văn bản báo cáo, đề xuất Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian sử dụng đất và điều chỉnh gia hạn thời hạn hoạt động cho hai dự án trên thành 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất.  

Được biết Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND TP bàn bạc với Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan thống nhất phương án đền bù GPMB để bàn giao cho TP.

Cho ý kiến về sự việc, Bộ Tư pháp lưu ý cân nhắc bổ sung việc điều chỉnh thời hạn hoạt động của hai dự án, sẽ dẫn đến việc điều chỉnh thời hạn thực hiện điều khoản chuyển giao không bồi hoàn. Khoản 1, Điều 64 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định, với dự án đầu tư có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản thuộc dự án cho Nhà nước Việt Nam hoặc cho bên Việt Nam là DNNN; thì nhà đầu tư không được điều chỉnh nội dung chuyển giao không bồi hoàn, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước thẩm quyền cho phép. 

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý. “Việc điều chỉnh thời hạn hoạt động của hai dự án sẽ dẫn đến việc thay đổi thời hạn thuê đất, cần được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh. 

Mới đây, Bộ KH&ĐT có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM phối hợp Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bên liên quan thống nhất phương án đền bù GPMB; rà soát lại quá trình góp vốn của phía Việt Nam vào liên doanh, xác định lại giá trị vốn góp, tỉ lệ vốn góp tương ứng giá đất hiện hành; giám sát việc hoàn trả tiền thuê đất của TCty Đường sông miền Nam và TCty Địa ốc Sài Gòn vào ngân sách. TCty Địa ốc Sài Gòn có nhiệm vụ đàm phán, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài về trách nhiệm chia sẻ chi phí GPMB khu đất dự án.
 

Phi Hùng - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-bat-dong-san-27-nam-bat-dong-d140570.html