Dự án lấn biển, người dân Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc

09/10/2019 15:39

Kinhte&Xahoi Người dân phản ứng gay gắt về dự án cáp treo, thủy cung Hòn Ngưu đã phá nát cảnh quan khu vực bờ biển TP Vũng Tàu.

Trong tuần qua, dư luận tại Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục có những phản ứng gay gắt về dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu (phường 1, TP Vũng Tàu) vì cho rằng, dự án triển khai sẽ phá nát cảnh quan khu vực bờ biển TP Vũng Tàu, ngăn chặn người dân tiếp cận với biển, ảnh hưởng đến không gian, tầm nhìn di tích quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng.

Dự án Cụm dịch vụ ga Cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu lấn biển?

Quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 6/2018, đến tháng 7/2019, Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu nằm sát bờ biển được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu. Giấy phép xây dựng với 3 hạng mục được triển khai là: San lắp mặt bằng gần 16 ngàn m2; đê chắn sóng có tổng chiều dài gần 93 mét và hạng mục đê lấn biển dài hơn 372 mét cùng với bãi tắm nhân tạo dài 214,7 mét.

Những ngày qua, khi chủ đầu tư tiến hành thi công mặt bằng của dự án thì người dân phản ứng quyết liệt. Bởi, một dự án lớn lấn biển được triển khai nhưng người dân không hề hay biết.

Tuy dự án mới triển khai giai đoạn 1 nhưng đã vấp phải phản ứng của dư luận

Ông Nguyễn Thành Sơn, người dân phường 3, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây tại công viên Bãi Trước khu vực công trình quạt gió cũng đã lấn biển rất nghiêm trọng làm xói lở bờ biển... hiện sóng biển đã đánh tràn lên đường, việc này hơn 10 năm trước đây chưa từng xảy ra. Giờ lại cho xây thêm công trình Cụm Dịch vụ ga Cáp Treo và Thủy cung Hòn Ngưu, trong vòng 2 tuần nay đã lấn mấy trăm mét bờ biển.

Ông Sơn bức xúc: “Hòn Rù Rì (Hòn Ngưu) nếu lấn như thế sẽ gây xói lở đến chỗ khác, vì vị trí đó đã xây kiên cố. Nó sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan. Đúng ra những dự án như thế này phải cho dân chúng biết vì liên quan đến cộng đồng”.

Còn ông Trần Văn Phúc, người dân thành phố Vũng Tàu thì cho rằng, công trình sẽ ngăn cản người dân tiếp cận với biển, phá luôn cảnh quan khu vực.

Một lượng lớn đất đá làm mặt bằng được đổ xuống biển trong 2 tuần qua.

“Trong danh thắng là Hòn Ngưu, trước đây lấn biển làm quán cà phê, nhà hàng chúng tôi đã không đồng ý. Thứ hai là bãi biến sáng người dân đi tập thể dục, nhưng bây giờ Cáp Treo đổ đất xuống biển, dân muốn xuống biển cũng không được. Người dân mất quyền được tiếp cận với biển, thế tự nhiên cũng mất luôn, phá vỡ thế tự nhiên luôn”, ông Phúc cho hay.
 
Bên cạnh đó, dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu nằm gần khu vực Di tích Quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, đối với các di tích quốc gia đã xếp hạng được phân chia các khu vực gồm: Khu vực 1 là phần di tích bất khả xâm phạm; khu vực 2 là phần giáp ranh với di tích. Nếu muốn tôn tạo, nâng cấp phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa.

Ông Trần Anh Thiện, Hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, dự án này hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, tầm nhìn từ hướng di tích ra biển.

Dư luận cho rằng, dự án sẽ ngăn chặn quyền được tiếp cận biển của người dân.

“Toàn bộ mặt tiền của di tích hướng ra biển bị ảnh hưởng nhiều, thế nhưng hiện nay làm thêm đoạn này ra thì về lâu dài khả năng sẽ có bê tông hóa, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị TP Vũng Tàu. Cố gắng làm sao chúng ta giữ được mĩ quan không chỉ bây giờ mà cho con cháu về sau, chứ làm thế thì còn cháu không được hưởng thụ những cái đó”, ông Thiện cho hay.

Đồng quan điểm với ông Trần Anh Thiện, ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh BRVT cũng cho rằng, với một dự án lấn biển, ảnh hưởng đến di tích thì cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Nhưng thực tế khi làm dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu này thì đã không tham vấn ý kiến chuyên gia.

“Đối với Bạch Dinh là di tích quốc gia, những công trình giáp ranh với Di tích phải có ít nhất một buổi tọa đàm để xem công trình phụ trợ, kiến trúc như thế nào? Những vấn đề này thì chắc chắn các chuyên gia người ta sẽ có ý kiến tư vấn, nhưng không thấy buổi tọa đàm nào? Tôi không hiểu tại sao?", ông Thiện nói.

Theo quy định tại khoản 1, điều 79, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo 2016 quy định, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình khi chưa thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đang tiến hành rà soát để cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển, thế nhưng chính quyền đã “gật đầu” cho Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu triển khai dự án lấn biển bất chấp các quy định của Luật Văn hóa – Di sản, Luật Tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo... Vậy phải chăng, ở đây có sự khuất tất (!?)./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo VOV/ Pháp luật Plus