Dự án trong di sản Vịnh Hạ Long khai thác 22 năm chưa có đánh giá môi trường

15/12/2020 15:55

Kinhte&Xahoi Một dự án nằm trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long đi vào khai thác từ 1998 nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Vụ việc hy hữu này xảy ra tại Dự án nuôi cấy, chế tác và kinh doanh ngọc trai kết hợp dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long do Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long (Công ty Ngọc trai Hạ Long) làm chủ đầu tư.

Kỳ lạ hơn, vị trí triển khai dự án được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp nằm ngoài giao khu vực biển ngoài 3 hải lý. Theo quy định tại Nghị định 51/NĐ-CP năm 2014, thẩm quyền giao biển tại khu vực này thuộc về Bộ Tài nguyên và môi trường. 

Khu nuôi cấy và chế tác ngọc trai nằm giữa Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Baoquangninh)

Khai thác từ 1998 nhưng chưa có ĐTM

Theo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra tỉnh Quảng Ninh ban hành, dự án Nuôi cấy, chế tác, kinh doanh ngọc trai trên Vịnh Hạ Long do Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long (Công ty Ngọc trai Hạ Long) làm chủ đầu tư. Vị trí triển khai tại khu vực các đảo Vông Viêng, Bồ Hòn, Mắt Quỷ thuộc Vịnh Hạ Long, TP.Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng, trên diện tích đất hơn 24,3 ha.

Công ty Ngọc trai Hạ Long tổ chức nuôi cấy, chế tác và kinh doanh ngọc trai kết hợp dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long từ 2007, sau khi tiếp quản cơ sở hạ tầng để nuôi cấy ngọc trai của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản II Quảng Ninh có từ năm 1998.

Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, Công ty Ngọc trai Hạ Long chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chỉ có thông báo chấp thuận bảo vệ môi trường. Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, việc này đã vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
 
Được biết, ngày 29/6/2018, Sở TN&MT phối hợp Sở Tài chính UBND TP.Hạ Long. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Công ty Ngọc trai Hạ Long có biên bản thẩm tra hồ sơ đề nghị giao khu vực biển. Tại biên bản có nêu đề nghị công ty hoàn thành lập đề án bảo vệ môi trường.

Công ty Ngọc trai Hạ Long cho biết sau đó đã thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập đề án bảo vệ môi trường trình Sở TN&MT song hồ sơ không được giải quyết do thời điểm nộp đã quá 36 tháng kể từ 1/4/2015 (ngày Nghị định 18/2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành).

Theo cơ quan thanh tra, hiện nay quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, việc lập đánh giá tác động môi trường của Công ty Ngọc trai Hạ Long đã có cơ sở giải quyết nhưng phải xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

“Tuy nhiên, đến nay công ty chưa có hồ sơ đánh giá tác động môi trường trình Sở TN&MT để được giải quyết theo quy định”, kết luận nêu.

Liên tục ra quyết định cho thuê rồi thu hồi

Theo kết luận thanh tra, ngày 8/3/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định 667 thu hồi và cho Công ty Ngọc trai Hạ Long thuê đất có mặt nước ven biển để nuôi cấy, chế tác và kinh doanh ngọc trai.

Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xác định, quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Ninh là không đúng quy định pháp luật về biển và hải đảo vì không có quy định về cho thuê đất có mặt nước biển. Do đó, ngày 6/6/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản thu hồi quyết định 667.

Đến 10/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có tờ trình đề xuất UBND tỉnh giao khu vực biển cho Công ty Ngọc trai Hạ Long để nuôi cấy, chế tác và kinh doanh ngọc trai kết hợp dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Diện tích khu vực thực hiện dự án là 24,3ha, mức thu tiền khu vực biển là 5 triệu đồng/ha một năm theo hình thức trả tiền hàng năm.

Đáng nói, tại tờ trình này, Sở TN&MT không đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất có mặt nước biển mà UBND tỉnh đã giao cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản II Quảng Ninh (từ năm 1998) và đề xuất thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo quy định.

Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT, ngày 16/10/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định 4119 giao quyền sử dụng khu vực biển cho Công ty Ngọc trai Hạ Long để thực hiện dự án.

Nhưng qua kiểm tra, cơ quan thanh tra kết luận khu vực biển của Công ty Ngọc trai Hạ Long nằm ngoài khu vực vùng biển 3 hải lý theo quy định tại Nghị định 51/2014/NĐ-CP. Theo quy định, thẩm quyền giao khu vực biển ngoài 3 hải lý thuộc về Bộ Tài nguyên và môi trường.

Giải trình với cơ quan chức năng, Sở TN&MT cho biết tại thời điểm trình UBND tỉnh xem xét, giao khu vực biển cho Công ty Ngọc trai Hạ Long, Sở TN&MT chưa nhận được các tài liệu, hồ sơ liên quan đến bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 3 hải lý được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại quyết định 1790 ngày 6/6/2018.

Đến ngày 23/10/2018, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mới cung cấp hồ sơ cơ liên quan đến bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 3 hải lý vùng ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, bản đồ này mới chỉ xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm và vùng biển 3 hải lý cho vùng ven bờ mà chưa xác định cho các đảo.

Được biết, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung các điểm danh mục có giá trị đặc trưng mực nước triều, bản đồ mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường 3 hải lý và xác định đường 6 hải lý vùng ven biển và các đảo.

 Hoàng Hưng - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://vtc.vn/du-an-trong-di-san-vinh-ha-long-khai-thac-22-nam-chua-co-danh-gia-moi-truong-ar585448.html