Gác chắn đường tàu: Nghề của những “bóng hồng thép”

20/10/2020 10:15

Kinhte&Xahoi Bất kể ngày nắng, mưa hay bão bùng, những người phụ nữ gác tàu vẫn bề bỉ với công việc tưởng như đơn giản nhưng cần sự chịu đựng và hy sinh không nhỏ.

Chị Huyền (ở giữa) cùng các đồng nghiệp trong trạm gác chắn vui vẻ chụp ảnh sau ga tác tàu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vui, buồn chuyện gác tàu

Ghé thăm trạm chắn tàu đường ngang Kim Liên A (Hà Nội), đoạn đường sắt thuộc Công ty cổ phần quản lý đường sắt Hà Hải, tôi bắt gặp chị Trần Thị Huyền (45 tuổi) đang ghi chép cẩn thận kế hoạch công việc cụ thể của thời gian mỗi chuyến tàu.

“Ngày nào cũng như vậy, tôi phải ghi chép rõ ràng lịch trình tàu đi đến và “căn” giờ kéo giàn chắn để đảm bảo tàu an toàn tàu qua không có chướng ngại vật nào. Bên cạnh đó, tôi còn phải túc trực thường xuyên để nghe điện thoại trực ban thông báo tình hình các chuyến tàu”, chị Trần Thị Huyền kể.

Được biết, chị Huyền làm trong nghề gác tàu đã 16 năm, đã trải qua rất nhiều những câu chuyện vui, buồn trong quá trình làm nghề “Nghề gác tàu là một nghề vất vả, nếu không yêu nghề, không thấu hiểu được đặc thù của nghề thì rất khó có thể làm được”.

Theo chị Huyền, mỗi ca trực tàu sẽ chia theo ban, mỗi ban 7 người. Chị Huyền là tổ trưởng ban 2. Các ban sẽ làm luân phiên ca theo ngày và đêm, mỗi ca 12 tiếng. Thông thường cứ làm việc 12 giờ thì sẽ được nghỉ 24 giờ.

Đẩy ghi chắn đường, công việc thường ngày của các chị khi tàu đi qua. (Ảnh: Kim Anh)

Ngày mưa cũng như ngày nắng, dù gió rét hay bão bùng, đằng sau tiếng chuông điện thoại thông báo tàu là các chị phải có mặt bên đường ray.

“Trung bình, mỗi ngày có khoảng từ 12 - 20 chuyến tàu và chủ yếu vào ban đêm. Có những đêm, chúng tôi gần như thức trắng vì tàu chạy thường xuyên. Cứ khoảng 15 -30 phút là có một chuyến tàu. Nếu lơ là một phút sẽ rất ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường”, chị Trần Thị Huyền tâm sự.

Chị Huyền kể, ngoài câu chuyện áp lực về thời gian tàu thì ý thức của người tham gia giao thông là một trong những khó khăn lớn nhất đối với chị. Nhiều người khi tham gia giao thông không chấp hành luật giao thông. Thậm chí, nhiều người còn có cách hành xử chưa đúng.

“Nhiều người họ bất chấp tín hiệu chuông và đèn cảnh báo, vượt vào trong khu vực rào chắn. Hay có những người còn có thái độ, lên giọng với những người làm việc trong khu vực vì không để cho họ qua, thậm chí còn dùng vũ lực”, chị Huyền cho hay.

Làm việc vất vả, nhưng thu nhập của những người gác tàu lại không cao.

“Hai vợ chồng tôi đều làm trong ngành đường sắt đã nhiều năm nay. Công việc nhiều khi thay đổi nhưng do cùng làm ngành nghề nên cũng dễ cảm thông và chia sẻ với nhau. Với chi phí đắt đỏ tại đô thị, nhiều lúc cũng phải dè chừng tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo cho cuộc sống”, chị Trần Thị Huyền tâm sự.

Trách nhiệm lớn lao “giữ tính mạng cho mọi người”

Có hơn 20 năm làm việc trong nghề đường sắt tại trạm chắn đường ngang Kim Liên A, chị Trần Thị Thanh Nhàn (48 tuổi) chia sẻ: “Nghề đòi hỏi trách nhiệm của người lao động rất lớn. Một đoàn tàu chạy qua, hàng nghìn con người tham gia giao thông qua đây đều phụ thuộc vào tín hiệu an toàn của đường sắt. Vì vậy, mỗi đoàn tàu chạy qua an toàn thì tôi mới yên tâm”.

Chị Trần Thị Thanh Nhàn ghi chép cẩn thận kế hoạch làm việc trong ban (Ảnh: Kim Anh)

Theo chị Nhàn, công việc vừa là trách nhiệm cũng như là yêu cầu đối với những người làm nghề chắn tàu. Lúc nào mình cũng phải điều tra an toàn, giữ vững an toàn cho người đi đường.

Chị Nhàn tâm sự, ngoài công việc gác chắn tàu đi qua, hàng ngày các ban phải dọn vệ sinh đường ray, nếu không rác đầy lên thì tàu sẽ đi trượt bánh.

Cũng với công việc này, năm 2009, chị đã bị tai nạn ở đoạn đường này.

Chị nhớ lại, thời điểm đấy, đoạn đường đang trong thời gian cấm để các chị làm vệ sinh đường ray. Cùng lúc đó, một chiếc ô tô cũng lao rất nhanh tới. Chị đã hô mọi người chạy ngay đi và không may chiếc ô tô đâm chéo và chị nằm ngay dưới gầm ô tô.

“Khi nhìn chiếc ô tô lao nhanh tôi đã thấy rất hoảng và chỉ kịp hô nhanh đến cho đồng nghiệp đang dọn vệ sinh đường ray. Tôi đã phải nằm viện 3 tháng và không đi lại được. Đó là một trong những lần khi làm việc khó quên đối với tôi”, chị Nhàn chia sẻ.

Những chuyến tàu giữa đêm về thành phố và bên đường chỉ có các chị (Ảnh: Kim Anh)

“Một đoàn tàu chạy qua là chúng tôi phải nhìn trước, nhìn sau xem có còn ai ở trong đoạn đường tàu nữa không hay có ai có ý định đi vào đường ngang nữa không. Đã có nhiều lần chúng tôi phải chạy từ giàn nọ sang giàn kia đề cứu người, nhìn thấy mọi người gặp nguy hiểm thì khó lòng mà cho qua lắm”, chị Nhàn bộc bạch.

Vì đặc thù công việc, ngày thường cũng như ngày lễ Tết, những người gác tàu đều phải giao ban và trực tàu thường xuyên.

Với đặc thù của nghề, công việc vẫn diễn ra vào những ngày lễ Tết. Đây là những ngày mà nhu cầu nghỉ của cán bộ công nhân viên cao, vì vậy các chị làm càng phải chuẩn chỉnh và tăng cường hơn.

"Những ngày trực Tết đón giao thừa tại cơ quan có đôi chút buồn, vì những ngày này mọi người được nghỉ ngơi, được quây quần bên gia đình thì chúng tôi phải đi làm xa nhà.

Nhưng chúng tôi cũng vui vì “cái duyên” với nghề, tình yêu nghề, nhờ có công việc của mình mà đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu qua lại”, chị Trần Thị Thanh Nhàn kể.

 Kim Anh  - Theo Dân trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/gac-chan-duong-tau-nghe-cua-nhung-bong-hong-thep-20201019231112871.htm