Gần 300 công nhân bỏ việc vì đường sắt Cát Linh chậm tiến độ quá lâu

16/11/2019 11:02

Kinhte&Xahoi Gần 1.000 công nhân được Hà Nội đào tạo để phục vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Do dự án chậm tiến độ quá lâu, gần 300 người đã bỏ việc.

Ngoài vấn đề nước sạch, buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 15/11 nóng lên khi nhiều cử tri nhắc đến dự án chậm tiến độ đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Nhiều công nhân được đào tạo đã bỏ việc vì dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tiếp chậm tiến độ. Ảnh: Việt Linh.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết ông vừa làm việc với Phó giám đốc Công ty đường sắt 6 Trung Quốc (nhà thầu thi công) và Trưởng ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Trước đó, đầu tháng 10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã trực tiếp đi khảo sát và giao trách nhiệm cho Hà Nội, Bộ GTVT cùng các bộ và chủ đầu tư rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các nội dung thực hiện dự án, sớm đưa chạy vận hành thử nghiệm trong 20 ngày. Sau đó sẽ chạy thương mại chính thức.

Ông Chung cũng chia sẻ để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thành phố đã tuyển dụng, đào tạo gần 1.000 lao động, trong đó hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc. "Nhưng do dự án chậm tiến độ, 28% công nhân, nhân viên của dự án đã bỏ việc, khiến thành phố gặp rất nhiều khó khăn", ông Chung nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết có 4 vấn đề lớn phải giải quyết trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, gồm Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải tiến hành nghiệm thu, đánh giá về độ an toàn khi đưa toàn bộ hệ thống của dự án vào vận hành; kiểm toán dự án; khắc phục các kiến nghị của kiểm toán trước đó và hoàn thành cung cấp các thiết bị theo hợp đồng đã ký.

“Nếu như mọi việc suôn sẻ thì chúng tôi cố gắng phấn đấu theo ý kiến của Thủ tướng, hết tháng 12 này mới đưa được vào”, ông Chung nói.

Về việc phía tổng thẩu nói không kiểm toán dự án, ông Chung khẳng định bất kể dự án đầu tư FDI hay dự án vốn ODA nào trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chấp hành pháp luật kiểm toán của Việt Nam.

"Các cơ quan kiểm toán của Việt Nam hoàn toàn có quyền kiểm toán, không thể nói là không được”, ông Chung nhấn mạnh. Vì vậy, thành phố đề nghị tổng thầu phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thực hiện các nội dung đã ký kết trong hợp đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Dự án khởi công tháng 10/2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, dự án sau đó liên tiếp lỡ hẹn và lùi tiến độ.

Tổng mức đầu tư sau đó cũng được điều chỉnh lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng) nhưng tiến độ lùi đến cuối năm 2018 vẫn chưa thể hoàn thành.

Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được đưa vào vận hành, khai thác.

*Tiều đề do Pháp luật Plus đặt lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Theo Zing/ Pháp luật Plus