Gắn sản xuất nông sản với tiêu thụ

10/03/2021 07:56

Kinhte&Xahoi Nông sản phải nhờ đến sự hỗ trợ tiêu thụ của cộng đồng, giá gà ở một số nơi xuống thấp... thời gian qua không chỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn bởi câu chuyện cũ lặp lại - sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường. Thực tế này cho thấy, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phải liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và gắn với thị trường.

Chăn nuôi gà tại một trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Quỳnh Ngọc

Hệ quả của sản xuất theo... phong trào

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến việc lưu thông hàng hóa trên thị trường gây tình trạng ùn ứ nông sản tại một số địa phương. Song, một nguyên nhân căn bản khác cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là việc nông dân còn sản xuất theo phong trào, không gắn với thị trường tiêu thụ, khiến việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản hay còn gọi là "giải cứu nông sản" lại xảy ra.

Những ngày qua, su hào, cải ngọt ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cũng dư thừa nhiều khiến nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Khang (xã Tiền Phong) trồng 4 sào su hào. Ông kể rằng, những năm trước vẫn bán được hàng nhưng năm nay bị ùn ứ do dịch nên đành chấp nhận. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn do bà con nông dân sản xuất chưa theo khuyến cáo của huyện và ngành Nông nghiệp. Thay vì sản xuất 4 vụ rau/năm, nông dân đã tăng lên 5-6 vụ rau/năm, vì vậy khi thương lái chậm thu mua hay các bếp ăn tập thể đóng cửa... dẫn đến nông sản bị dư thừa. 

Không riêng rau, củ, nhiều nông dân chăn nuôi gia cầm cũng điêu đứng vì giá bán thấp. Ông Nguyễn Gia Bằng ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) kể, trước đây, trang trại của gia đình ông chỉ nuôi khoảng 500 con gà ta, nhưng do việc nuôi lợn gặp khó khăn vì dịch bệnh nên năm 2020, ông Bằng đã tăng tổng đàn gà ta lên gấp đôi. Đến thời kỳ xuất bán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá gà giảm 20% so với trước đó, thậm chí thương lái bỏ cọc, không mua...   

Về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phân tích: Qua rà soát ngành Nông nghiệp nhận thấy, những vùng trồng rau gặp khó khăn trong tiêu thụ, đa phần do sản xuất chưa theo chuỗi, không có mối liên kết, 90% sản phẩm tiêu thụ thông qua thương lái. Cho nên, khi việc lưu thông, vận chuyển chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 thì không kịp trở tay, do không có phương án thay thế, dự phòng.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm: Từ năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi gia cầm nên tổng đàn gia cầm toàn thành phố hiện đạt gần 40 triệu con. Hiện tại, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong 1 tháng của Hà Nội là 10.671 tấn, nhưng nhu cầu tiêu dùng chỉ là 6.198 tấn, còn lại xuất đi các tỉnh, thành phố khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ không lớn, dẫn tới giá giảm, hàng tồn.

Chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Tìm lối ra cho nông sản

Trong khi một số vùng rau của Hà Nội tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì một số vựa rau khác vẫn tiêu thụ ổn định. Dẫn chứng điều này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Hơn 387ha rau trên địa bàn huyện vẫn tiêu thụ ổn định bởi các hộ sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và hợp tác xã đứng ra liên kết với các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích bảo đảm đầu ra sản phẩm. Thậm chí có đơn vị sản xuất rau hữu cơ đã tạo được uy tín vẫn không có rau để bán… “Chỉ khi nông dân sản xuất theo hợp đồng và tạo được lòng tin với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm thì khi đó mới tiêu thụ ổn định”, ông Nguyễn Viết Đạt nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Việc nông dân tăng vụ rau hoặc chăn nuôi không theo khuyến cáo của các ngành chức năng đã dẫn tới dư thừa nguồn cung. Do đó, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu theo nhu cầu thị trường, không chạy theo lợi nhuận trước mắt. Đồng thời, các hợp tác xã phải tổ chức nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng để tránh bị ép giá và liên kết với doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản nông sản, phát triển công nghệ chế biến, thay vì bán sản phẩm tươi như hiện nay.

Còn theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh, cần đa dạng thị trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến bởi đây sẽ là một trong những lối ra chủ yếu cho nông sản trong tương lai.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 194/QĐ-TTg (ngày 9-2-2021) về phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở cho các tỉnh, thành phố tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Triển khai Đề án này, trong thời gian tới, Hà Nội và các địa phương cần đặc biệt chú trọng việc củng cố, phát triển mô hình hợp tác xã thương mại, dịch vụ như một trung gian giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, phân phối để tổ chức cung ứng và tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp...

 Ngọc Quỳnh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/993078/gan-san-xuat-nong-san-voi-tieu-thu