Giá thịt lợn đồng loạt giảm

04/02/2020 11:03

Kinhte&Xahoi Từ hôm qua (3/2), giá thịt lợn trên cả nước đồng loạt giảm từ 1.000 - 2.000 đồng một kg. Đây là diễn biến tích cực sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm 31/1/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn VOV

Giá lợn cao khiến chỉ số CPI “bất thường”

Trước đó, trong cuộc họp của Ban Chỉ  đạo điều hành giá, các bộ, ngành và địa phương cho biết nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý được bảo đảm nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, 85.000 đồng/kg.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết mức giá này vẫn cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và là nguyên nhân quan trọng khiến mức nền chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2020 cao nhất trong 7 năm qua.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn (Bộ Tài chính) cho biết ngoài yếu tố thực phẩm tăng giá, cộng với nhiều yếu tố khó lường về thiên tai, căng thẳng địa chính trị, dịch bệnh ở cả gia súc và người sẽ tác động mạnh tới mặt bằng giá của năm 2020. “Nếu không quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ điều hành giá đặt ra tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 4/1/2020 của Văn phòng Chính phủ thì khó có thể bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay”, ông Tuấn nêu rõ.

Cho rằng CPI trong tháng đầu tiên của năm mới có điều “bất thường” như trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do giá thịt lợn vẫn neo ở giá cao, trong khi nguồn cung không thiếu hụt.

Giá thịt lợn “hạ nhiệt”

Tại miền Nam giá lợn hơi giảm xuống còn 79.000 - 81.000 đồng/kg. Khảo sát giá bán lẻ tại các chợ TP HCM cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn đã giảm 10.000-30.000 đồng so với tuần trước đó. Cụ thể, thịt ba rọi giảm 10.000 đồng xuống còn 170.000 đồng một kg, chân giò 170.000 đồng giảm còn 150.000 đồng một kg, nạc dăm thay vì 150.000 đồng nay còn 140.000 đồng một kg. Tại Đồng Nai, giá heo dao động quanh mức 80.000 đồng một kg. Bình Phước, Long An giá ở mức 78.000 - 80.000 đồng.  

Tương tự, giá lợn hơi ở thị trường miền Bắc cũng đồng loạt đi xuống. Các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Nam Định giá lợn hơi chỉ còn ở mức 82.000 đồng một kg, giảm 2.000 đồng so với  tuần trước. Một số địa phương khác ở miền Trung và Tây Nguyên giá dao động 80.000-83.000 đồng một kg.

Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai doanh nghiệp tham dự cuộc họp là Dabaco và CP báo cáo về tỷ lệ thị phần nắm giữ, giá thành, giá bán, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, thậm chí là báo cáo về nộp ngân sách nhà nước năm 2019 để đánh giá việc giữ giá thịt lợn như hiện nay.

Sau khi kết thúc cuộc họp, CP Group là doanh nghiệp đầu tiên trong số các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có động thái giảm giá thịt lợn. Theo đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CP Group đã ký công văn thông báo doanh nghiệp này giảm giá bán thịt lợn thương phẩm 1.500 đồng/kg, còn 80.500 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các khách hàng từ ngày 1/2/2020. 

Theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CP tính toán, doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 8% thị phần cung ứng thịt lợn cả nước nên không thể có khả năng điều tiết giá thịt lợn. Đợt dịch bệnh tả châu Phi vừa qua, CP không xảy ra thiệt hại, ngoại trừ việc doanh nghiệp này không thể thay đàn nái.

Hiện nay, mỗi ngày CP xuất bán 1.500 con. Giá thành sản xuất của CP là 35.000- 36.000 đồng một kg còn giá bán là 82.000 đồng một kg: “Khi giá cao chúng tôi vẫn bán thấp hơn giá thị trường và tới nay, mặt bằng giá vẫn còn cao nên chúng tôi không thể giảm thêm được”, ông Vũ Anh Tuấn nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ biểu dương động thái này của CP trên tinh thần bảo đảm hài hoà lợi ích của doanh nghiệp với người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, qua báo cáo từ các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Các hộ nuôi thiệt hại chính từ dịch tả châu Phi còn các tập đoàn không thiệt hại nhiều mà để giá cao thế thì là như thế nào?”.

Vẫn theo Phó Thủ tướng: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có yêu cầu về kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm 2020. Các doanh nghiệp thực phẩm lớn, kể cả có cổ phần của Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải chia sẻ trách nhiệm này, giúp cả nước kiểm soát được lạm phát. Nếu vĩ mô bất ổn, kéo theo tỷ giá, lãi suất thay đổi, liệu lúc đó các doanh nghiệp có thể làm ăn yên ổn được không?”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/gia-thit-lon-dong-loat-giam-d116499.html