Giải pháp nào tốt nhất cho học sinh trong mùa dịch?

20/02/2020 16:54

Kinhte&Xahoi Chưa bao giờ học sinh nước ta lại có kỳ “nghỉ Tết” kéo dài cả tháng như năm nay. Không phải vì không khí hào hứng của “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà vì covid-19. Không phải kỳ nghỉ mùa xuân, mà kỳ nghỉ… dịch. Dù sự xáo trộn trong sinh hoạt không tránh khỏi, nhưng tạm thời nghỉ học cũng là cách bảo vệ thế hệ tương lai. Còn giải pháp nào cho môi trường học đường giữa mối đe dọa covid-19, vẫn là điều cần phải suy ngẫm nghiêm túc!

Ngày 14/2, Bộ GD-ĐT mới có công văn chính thức gửi các địa phương để cùng thực hiện việc nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Còn trước đó thì sao? Bộ GD-ĐT chỉ biết trông chờ vào phản ứng của Bộ Y tế nên chuyển trách nhiệm về các Sở GD-ĐT. Ngay tại đô thị sầm uất nhất phương Nam, khi nghe tin Sở GD-ĐT TPHCM có kế hoạch cho học sinh quay lại trường học vào ngày 17/2 thì một nhà giáo - nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ dù đã ở tuổi 75 vẫn sốt ruột gửi một thư ngỏ đến những người có trách nhiệm đề nghị cân nhắc một cách thấu đáo hơn và có quyết định một cách sáng suốt hơn.

Giải pháp nào tốt nhất cho học sinh trong mùa dịch?

Nhà giáo - nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ từng làm Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, cho rằng việc chính quyền TPHCM cho học sinh trở lại trường học giữa mùa dịch là một động thái nguy hiểm: “Đưa khoảng 2 triệu học sinh đến trường, liệu có đảm bảo được việc phòng chống lây lan bệnh cho chừng đó trẻ em? Với 2 triệu khẩu trang được sử dụng mỗi ngày, liệu có công ty nào sản xuất kịp khẩu trang cho các trẻ em sử dụng? Liệu có cơ quan vệ sinh nào đủ sức dọn dẹp những khẩu trang vừa sử dụng xong, vất bừa bãi trên các đường phố, khu dân cư? Liệu có thể có bao nhiêu em học sinh, trong suốt một ngày đi học, không tháo khẩu trang? Liệu có thể ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh dễ dàng với cũng khoảng gần 2 triệu phụ huynh đưa con đi học buổi sáng và đón rước con em mỗi sớm mỗi chiều? Liệu có bao nhiêu học sinh từng tiếp xúc với bà con thân quyến, hàng xóm láng giềng là những người có thể vừa đi xa về, có quá nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đang ủ bệnh, mà theo thông tin mới, bệnh dịch Covid-19 có thời gian ủ bệnh là 24 ngày chứ không phải chỉ 14 ngày theo nghiên cứu ban đầu?”.

Không chỉ góp ý suông, nhà giáo - nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ còn trình bày luận điểm khá thuyết phục: “Thời gian các cháu nghỉ học không phải không giải quyết được. Về chuyện này, chúng tôi cũng thiết tha đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên chính thức công bố dời kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lùi lại một tháng hoặc hai tháng. Năm 1975, vì hoàn cảnh lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã được tổ chức giữa tháng 9/1975, trên khắp miền Nam Việt Nam. Lúc ấy, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Coi thi kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Chấm thi của tỉnh Thừa Thiên Huế, và chứng kiến mọi việc đều chu đáo và tốt đẹp. Quan trọng nhất, là quyết sách của chính ngành giáo dục, và sự tận tụy cống hiến của đội ngũ giáo viên. Tôi từng trực tiếp đứng lớp giảng dạy, đồng thời cũng từng làm quản lý giáo dục, tôi hoàn toàn thấy không khó để có giải pháp hữu hiệu. Không có trường học nào trên thế giới không có kỳ nghỉ, không nghỉ hè thì nghỉ đông. Ở nước ta, năm học kéo dài 9 tháng, bây giờ nếu nghỉ một tháng để chống dịch thì niên khóa lấn sang một tháng hè. Không hề ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cái khó nhất là ảnh hưởng đến sinh hoạt của phụ huynh và giáo viên. Nếu phụ huynh chấp nhận sự xáo trộn vì sức khỏe và tính mạng của con em họ, thì giáo viên cũng phải biết hy sinh. Mà tôi nói thật, với đạo đức sư phạm, giáo viên hy sinh cho học sinh là chuyện hình thường. Bây giờ có phương pháp học trực tuyến. Hơn nữa, việc học không thể tính tuần hay tính tháng, mà việc học là hành trình cả đời. Thử hỏi, nếu cho học sinh trở lại trường với sĩ số vắng phân nửa, thì giáo viên có yên tâm truyền đạt kiến thức không? Đừng miễn cưỡng nhồi nhét kiến thức khi môi trường giáo dục vẫn đang ám ảnh dịch bệnh. Cốt lõi để nhiều địa phương, nhiều giáo viên, nhiều phụ huynh và nhiều học sinh lo lắng chính là kỳ thi quan trọng cuối cấp hoặc chuyển cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học quốc gia. Chỉ cần Bộ GD-ĐT tuyên bố niên học này sẽ tổ chức các kỳ thi trễ hơn 1 tháng, thì bài toán tâm lý sẽ được hóa giải một cách nhẹ nhàng. Bộ GD-ĐT không dám quyết, thì các Sở GD-ĐT sẽ lúng túng và mọi người sẽ bất an”.

Tiếng nói tâm huyết của một nhà giáo - nhà văn lão thành, đã được dư luận hoan nghênh và ủng hộ. Ngày 17/2, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi tờ trình Thường trực UBND TP HCM dự thảo kiến nghị cho phép học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghỉ học hết tháng 3, và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, dời kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là cơ sở để UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng chỉ đạo thống nhất cho học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghỉ học hết tháng 3/2020. Điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020: học kỳ II bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7; dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7/2020. Việc điều chỉnh này nhằm giúp các cơ sở chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; thực hiện kế hoạch năm học đồng bộ trong cả nước. Bên cạnh đó, còn giúp học sinh và phụ huynh yên tâm, chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình và cá nhân.

Đối phó covid-19, có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục không? Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong thời gian nghỉ học, các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giữ liên hệ với học sinh để hướng dẫn học sinh tự ôn tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện nhằm duy trì động lực học tập của học sinh. Việc giao bài, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học và đánh giá từ xa có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức học trực tuyến hay tổ chức bài học trên mạng. Ngoài ra, các trường cũng có thể tổ chức cho học sinh tự học theo từng bài học do giáo viên giao rồi nộp lên mạng để giáo viên hướng dẫn, chấm, chữa bài. Hoặc giáo viên giao bài và gửi tài liệu cho học sinh trên mạng hoặc qua email, tin nhắn... để học sinh tự học theo hướng dẫn, rồi nộp bài cũng theo hình thức đó... 

Đại diện Vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh: Không để các em học sinh bị thiệt thòi trong thời gian nghỉ học do không nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các trường tổ chức học trực tuyến hoặc hướng dẫn học từ xa mà không cần tổ chức học bù sau đợt nghỉ này. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các sở GD-ĐT triển khai kế hoạch dạy bù cho học sinh. Tùy theo tình hình cụ thể của từng nhà trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học bù khác nhau, đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình với mọi đối tượng học sinh. Việc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, tất cả các trường phải thực hiện. Trường hợp những nơi đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới, thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù. Các trường có thể thực hiện việc khảo sát, đánh giá học sinh qua thời gian tự học hoặc học trực tuyến để thiết kế nội dung dạy học bù đắp phần còn yếu, còn thiếu, bố trí đủ thời gian, phòng lớp học và giáo viên cho việc dạy bù. Những nơi đã tổ chức dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến vẫn cần bố trí thời gian trên lớp, để từ đó học sinh có cơ hội luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, giải đáp những nội dung học sinh còn thắc mắc, không hiểu./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giai-phap-nao-tot-nhat-cho-hoc-sinh-trong-mua-dich-d2079506.html