Giám định cho trẻ bị xâm hại tình dục: Xin đừng là hành trình dài của nước mắt!

07/06/2020 10:31

Kinhte&Xahoi Hẳn rằng, chưa ai có thể quên câu chuyện một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau đã phải tìm đến cái chết, khi nhìn thấy tờ giấy thông báo mà mẹ em đã cố tình giấu kín trong tủ. Tờ quyết định của Cơ quan điều tra không khởi tố kẻ đã xâm hại, dâm ô em suốt một thời gian dài mà gia đình đã làm đơn tố cáo. Một người cha phải tìm đến cái chết như cách cuối cùng đòi công lý cho đứa con gái 6 tuổi của mình, sau khi cơ quan chức năng đề nghị gia đình ký vào giấy bãi nại...

Giám định cho trẻ bị xâm hại tình dục - xin đừng là hành trình dài của nước mắt.

Khi xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em, hành động tố cáo của gia đình các trẻ em bị xâm hại tới cơ quan công an là điều kiện đầu tiên để cơ quan chức năng vào cuộc. Và mức độ tổn thương của nạn nhân là căn cứ quyết định có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Thế nhưng, quá trình giám định tổn thương do xâm hại lại đang có quá nhiều bất cập.

Trắng đêm bế con tìm nơi giám định

Tháng 4/2019, tại cuộc họp “Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hà khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhắc đến câu chuyện của chị T suốt đêm bế con gõ cửa công an, bệnh viện mong được giám định cho con. 

Ngày 14/4/2019, chị T có công việc nên bảo con gái lớn ra đầu đường trông hàng, để lại con gái nhỏ là bé N 5 tuổi trong phòng trọ. Lợi dụng người lớn vắng nhà, bé N đã bị ông hàng xóm xâm hại khiến vùng kín bị sưng đỏ. Về thấy con như vậy, chị T uất ức đi trình báo và quyết đi tìm công lý cho con, đưa kẻ có hành vi xấu ra trước pháp luật.

“Trước tôi đọc báo về mấy vụ việc này, nên biết phải đưa con đi giám định. Nếu tắm sẽ mất dấu vết nên tôi ôm con lên công an phường trình báo. Sau khi lấy lời khai, Công an phường 14 quận Tân Bình bảo tôi đưa bé sang Bệnh viện Việt Đức để khám cho bé. Bệnh viện này không khám cho trẻ em nên giới thiệu tôi sang Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, khi nghe bé kể chuyện và biết đầu đuôi sự việc, bác sĩ đã giới thiệu cháu qua Trung tâm pháp y. Tầm 21h30, tôi tới nơi, thì ở đây hướng dẫn tôi về Công an quận Tân Bình, cụ thể là Đội điều tra Tổng hợp, công an sẽ trực tiếp đưa mẹ con tôi đi lên giám định”.

“Nhưng khi về tới quận thì cán bộ ở đây bảo phải về phường, rồi đợi phường nộp hồ sơ lên, chứ quận không làm trực tiếp. Công an phường lại hướng dẫn tôi ra Bệnh viện Tân Bình. Lúc đó khuya lắm rồi, bệnh viện nói giờ đó chỉ cấp cứu thôi, không khám bệnh. Hai mẹ con lại tiếp tục lên Bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện nói là ở đây không chữa trị cho em bé, tôi quay trở lại công an phường lần nữa. Sáng hôm sau, Công an quận Tân Bình đưa mẹ con tôi đi giám định” - chị T trình bày. Người mẹ này sau đó đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM để tìm sự giúp đỡ.

“Câu chuyện này cho thấy cần thiết phải quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em là loại đặc biệt, phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm, cứu trẻ em” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Bất cập của luật làm khổ trẻ em

Được biết, hiện nay, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ điều tra.

Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em là loại đặc biệt, phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. Theo Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Nhự, Luật Giám định tư pháp quy định nếu người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định. 

“Như vậy có thể hiểu nếu gia đình đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho các cháu đi giám định mà không được đi giám định ngay thì phải đợi sau 7 ngày khi nhận được thông báo từ chối mới có thể có quyền tự mình yêu cầu giám định. Như vậy là quá lâu đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần đi giám định ngay”, ông Nguyễn Đức Nhự cho biết. 

Từ góc nhìn của giới luật sư, trao đổi với truyền thông, Luật sư Lê Minh Trường - Giám đốc Công ty luật Minh Khuê nhận định quy định 7 ngày là một quy định quá dài. “Nếu trong thời hạn 7 ngày đó mà chúng ta không trưng cầu giám định ngay thì rõ ràng không thể thu thập được các bằng chứng để buộc tội. Cái trình tự tố tụng với 7 ngày để ra quyết định có giám định hay không thực hiện giám định thực sự bất cập, phi lý”.

Cần sớm thay đổi

Tại cuộc họp “Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nêu đề xuất: “Hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính có quy trình một cửa, đặc biệt đối với tội xâm phạm tình dục trẻ em cần tính đến một cơ quan đầu mối hỗ trợ nạn nhân và gia đình một cách có hiệu quả để thuận tiện, dễ dàng vượt qua được khủng hoảng”. Bà Hà cũng dẫn chứng hình thức trung tâm một cửa tại Thái Lan và mô hình một điểm dừng tại Hàn Quốc.

Từ góc độ cơ quan giám định pháp y, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Nhự nêu quan điểm: “Chúng tôi đề nghị đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần có cơ chế cho phép đương sự tự yêu cầu giám định từ giai đoạn tiền tố tụng (thực tế đối với các trường hợp khác như xét nghiệm ADN thì các cơ quan tố tụng có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó như là giám định tiền tố tụng; còn đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục thì phần lớn do gia đình không biết để đề nghị cơ quan công an cho đi giám định sớm, nếu họ tự đi giám định trước thì theo luật lại vướng như đã nói trên). Khi cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó để giải quyết vụ án thì sẽ trở thành kết quả giám định tư pháp”. 

Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty luật Minh Khuê cũng cho rằng, cần thay đổi Luật Giám định Tư pháp cho những trường hợp cần giám định tức thì, nghĩa là, trong các trường hợp cấp bách, có thể không cần các quyết định của cơ quan điều tra hay các cơ quan tiến hành tố tụng thì người dân vẫn có thể đến thẳng cơ quan giám định. Cơ quan giám định tư pháp cần thực hiện nghiệp vụ ngay lập tức để thu thập các bằng chứng kịp thời và kết luận của trung tâm tư pháp sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng sau đó điều tra, buộc tội.


Cùng với giám định, lấy mẫu đối tượng cũng rất quan trọng

Tháng 5/2019 trao đổi với truyền thông xung quanh vấn đề thủ tục giám định pháp y cho những trẻ bị xâm hại tình dục hiện vẫn còn nhiều bất cập, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y đã nói về một bất cập nữa là cơ quan điều tra chỉ đơn thuần đưa nạn nhân đi giám định mà không đưa đối tượng phạm tội đi giám định, trong khi ở mỗi vụ xâm hại tình dục, 80-90% khả năng đối tượng phạm tội là người thân hoặc quen biết nạn nhân.

Việc lấy mẫu đối với đối tượng cũng vô cùng quan trọng, bởi trong quá trình giám định, nếu không thu được dấu vết sinh học có ý nghĩa trên cơ thể nạn nhân thì cũng có thể thu được dấu vết sinh học của nạn nhân trên cơ thể của đối tượng.

Theo bà Yến, ngoài ra, việc giám định còn gặp khó khăn nữa là tỷ lệ số vụ mà cơ quan điều tra trưng cầu giám định ADN với nạn nhân trong các vụ dâm ô rất ít, chủ yếu áp dụng đối với nạn nhân bị hiếp hâm, trong khi đó, kết quả ADN có ý nghĩa quan trọng trong việc kết tội đối tượng. Nếu không đưa ra được bằng chứng khách quan thì không thể kết tội đối tượng được. Có thể thời điểm đó, đối tượng nhận tội, nhưng khi ra tòa, việc đối tượng phản cung là điều không hiếm.

“Theo tôi, các cơ quan liên quan cần đưa ra quy trình chuẩn để thực hiện giám định pháp y. Cơ quan điều tra cần hiểu được tầm quan trọng của việc đưa nạn nhân đi giám định sớm. Khi tiếp nhận tố giác của gia đình nạn nhân, cần đưa nạn nhân đi giám định ngay; việc xử lý hiện trường, lấy lời khai... có thể làm song song hoặc thực hiện sau. Khi xác định được đối tượng tình nghi, phải đưa cả đối tượng đi giám định pháp y.

Cùng với đó, 100% vụ xâm hại tình dục cần có trưng cầu giám định ADN. Cơ quan điều tra không nên chỉ trưng cầu giám định ADN với trường hợp bị hiếp dâm. Ngoài ra, cũng cần thay đổi quy định, cho phép gia đình có thể trực tiếp đưa con đi giám định pháp y tại trung tâm giám định pháp y, sau đó, trung tâm sẽ liên hệ với cơ quan điều tra để làm các thủ tục cần thiết sau, thay vì để gia đình nạn nhân trình báo cơ quan điều tra rồi chờ cơ quan điều tra ra quyết định, nạn nhân mới được đưa đi giám định như hiện nay” – bà Yến đề xuất. 

 Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giam-dinh-cho-tre-bi-xam-hai-tinh-duc-xin-dung-la-hanh-trinh-dai-cua-nuoc-mat-d126419.html