Một "lỗ hổng" không thể sớm lấp đầy
Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của nhiều người. Cuộc sống bỗng dưng trở nên tù túng, lo lắng, bất an về thu nhập, sức khỏe và tương lai trở thành những gánh nặng tâm lý mà nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đang phải đối mặt.
Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chứng kiến nhiều công việc mất đi và sự lên ngôi của những công việc mới, đặc biệt là các công việc từ xa khiến nhiều người nhận thức được tầm quan trọng về khả năng thích nghi và bắt kịp thời đại công việc luôn biến động.
Đại dịch COVID-19 mang tới một lỗ hổng mà phải cần nhiều thời gian mới có thể lấp đầy với giới trẻ
Trở lại sau khoảng thời gian dài dậm chân tại chỗ vì dịch bệnh, chúng ta thấy rõ sự khó khăn của nhiều công ty hay doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là sự cạnh tranh để có một công việc ổn định đang khốc liệt hơn bao giờ hết khi những người bạn trẻ không có kinh nghiệm hoặc thiếu kỹ năng chắc chắn không phải là ưu tiên hàng đầu.
Thời gian vừa qua, có nhiều người tự từ bỏ công việc để tìm hướng đi mới nhưng cũng có những người phải nghỉ việc do yêu cầu từ cấp trên. Việc tìm công việc làm mới với mức lương tốt hơn thì càng khó hơn gấp bội. Nhiều người cho biết họ buộc phải cắt giảm những yêu cầu cao của bản thân trước đó và chấp nhận những công việc đó.
Khi đó, họ có thể đi làm với tâm thế chưa thật sự hoàn hảo, thoải mái với mong muốn. Đó có thể là những công việc không yêu thích, mức lương chưa xứng với năng lực, môi trường chưa phải lý tưởng… và có thể sẽ dẫn tới nhiều hệ quả như năng suất công việc suy giảm, tạo ra những “zombie công sở”.
Những áp lực từ công việc tới cuộc sống có thể khiến nhiều người trẻ "dậm chân" trong vòng luẩn quẩn
Đây cũng là giai đoạn mà nhiều người trẻ chúng ta ngập trong trong những nỗi sợ hãi, hoài nghi về bản thân hay chịu trận từ những áp lực đồng trang lứa, từ gia đình, công việc và môi trường xung quanh đã thay đổi quá nhiều.
Phải thừa nhận rằng thế hệ trẻ ngày nay là một thế hệ vừa tài năng, vừa cá tính. Dù không phải tất cả nhưng hầu hết đều có nhiều kỹ năng, tư duy mới lạ và hiện đại hơn thế hệ trước nhưng họ đang đối diện với một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn buộc họ phải tự trang bị đầy đủ mọi thứ để tăng tốc và bắt nhịp cùng thời đại.
Người tiến xa, kẻ hụt chân
Trong hơn 4 tháng dịch bệnh, có nhiều người tận dụng khoảng thời gian này để nâng cấp bản thân lên một “tầm cao” mới. Họ tận dụng thời gian rỗi trong mùa giãn cách để học thêm một ngôn ngữ mới, tìm hiểu các công việc hoặc nghiên cứu để đầu tư theo nhiều cách khác nhau
Nhưng ngược lại, chúng ta không thể khó nhìn thấy có rất nhiều người lại dành gần như cả ngày để giải trí, thư giãn với những hoạt động như xem phim, lướt Facebook, TikTok hay YouTube. Thậm chí, khi trạng thái bình thường mới trở lại, nhiều người trẻ đang rơi vào trạng thái tự trách móc bản thân vì đã phung phí phần lớn thời gian trong mùa giãn cách mà không tiến bộ được gì cả. Chính khoảng thời gian này bằng một cách nào đó vô tình lại tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa người nỗ lực để nâng cấp bản thân và những kẻ thường hay trì hoãn.
Khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua giống như một chiếc đồng hồ tua chậm để các bạn trẻ có thêm thời gian học cách phát triển bản thân và dành thời gian học thêm những điều mới, phục vụ cho công việc sau này. Thời gian ấy đã gần tới hồi kết, một cuộc sống tuy "bình thường nhưng rất mới" đang chào đón chúng ta với những áp lực và đòi hỏi còn lớn hơn nữa.
Việc tự chủ, độc lập tài chính là điều mà ai cũng mong muốn đạt được, đặc biệt hậu đại dịch. Những ảnh hưởng của dịch bệnh khiến con người ta cảm nhận rõ rệt những áp lực liên quan đến vấn đề tài chính. Vì vậy, hơn lúc nào hết đây là lúc những người trẻ phải phi tiên phong và có kế hoạch thích nghi với những sự thay đổi trong cuộc sống.
Đây là thời điểm người trẻ phải tiên phong trong việc tăng tốc và bắt nhịp với xu thế
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Giang cho rằng, mỗi người trẻ đều có cuộc sống và đích đến riêng. Thay vì tập trung nhìn về phía thành công của người khác, hãy nhìn về con đường mình đã chọn và nỗ lực làm mọi cách để bước đi thật nhanh. Tìm ra cách lấp đầy những lỗ hổng của bản thân trong công việc, trong giao tiếp xã hội là cách hiệu quả nhất để chúng ta củng cố bản thân, sẵn sàng chào đón một cuộc sống bình thường mới.
“Nếu trước dịch, nhiều bạn vẫn chưa gặt hái được những thành tựu đáng kể cho bản thân thì vẫn cứ vững tin vì ngay lúc này, khi tất cả mọi thứ như được khởi động lại trong trạng thái bình thường mới chính là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá.
Chúng ta có thể xé bỏ những rào cản cố hữu của mình và bắt đầu thực hiện những điều tuy nhỏ nhưng bổ ích và có giá trị nâng cấp bản thân. Thử làm những điều mới mẻ, học thêm một kỹ năng mới hoặc ngôn ngữ mới đều là những "món đồ" cực kỳ giá trị mà bạn sẽ bỏ vào vali của mình và bắt đầu hành trình công việc mới sau dịch”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Trung Đức - TTTĐ