Hà Nội công bố 2.026 người nộp thuế nợ thuế, phí: Đau đầu với những cái tên cũ

20/05/2021 07:49

Kinhte&Xahoi Cục Thuế Hà Nội vừa thực hiện công khai lại danh sách 2.026 người nộp thuế nợ thuế, phí, nghĩa vụ tài chính về đất và tiền chậm nộp liên quan. Điều đáng nói, trong số này, có hơn 630 tỷ đồng nợ thuế khó đòi, công khai đi công khai lại nhiều lần vẫn chưa xử lý được.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ triền miên

 Cụ thể, năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục thực hiện công khai nợ thuế đối với 2.026 người nộp thuế với số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất là 6.387 tỷ đồng, gồm 1.496 người nộp thuế có số thuế nợ khả năng thu 5.748 tỷ đồng và 530 người nộp thuế có số nợ thuế khó thu với hơn 638 tỷ đồng.

 Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đây là các trường hợp Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện công khai nợ thuế năm trước. Qua rà soát đến thời điểm hiện tại những trường hợp này vẫn còn nợ thuế. Đứng đầu danh sách các đơn vị nợ thuế, phí và tiền chậm nộp liên quan được công khai là Công ty CP Sông Đà - Thăng Long với số nợ hơn 384,6 tỷ đồng. Tiếp đến là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy với số nợ hơn 177,5 tỷ đồng; Công ty CP Lilama Hà Nội với số nợ thuế 138,2 tỷ đồng... Trong danh sách người nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất có những cái tên như: Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, Công ty TNHH Đá quý Thế giới...

Đáng chú ý, trong số này, có nhiều cái tên được công khai đi công khai lại nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ nợ. Đơn cử, trường hợp Công ty TNHH Đá quý Thế giới nợ tiền sử dụng đất triền miên hơn 5 năm qua tại Dự án AZ Sky Định Công. Đến nay, DN này vẫn nợ hơn 142 tỷ đồng. Và hậu quả là cư dân ở đây nhiều năm nay vẫn mòn mỏi đòi hỏi quyền lợi chính đáng là nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà/đất nhưng không được do chủ đầu tư nợ thuế. Hay Công ty TNHH Công trình Hoàng Hà (quận Hoàng Mai) cũng là đơn vị nợ kinh niên và đến kỳ công khai năm 2021 vẫn là “chúa chổm” chây ỳ nghĩa vụ ngân sách hơn 143 tỷ đồng.

Theo Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, việc một DN nợ thuế sẽ có khả năng ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác, cả bên trong và ngoài DN. Nguy hiểm nhất, là khi DN đó bị cơ quan quản lý thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, như khóa mã số thuế hay ngừng sử dụng hóa đơn của đối tượng nợ thuế, thì các quyền và lợi ích hợp pháp của những bên liên quan tới DN đó đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, nếu DN là chủ đầu tư của một dự án, thì quyền lợi của khách hàng, người mua nhà sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi tài sản của DN bị cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản.

Không lẽ bó tay?

Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, bên cạnh việc ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN nợ thuế, nhiều giải pháp mạnh tay theo quy định đã được cơ quan thuế triển khai. Theo đó, đối với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành, Cục thuế TP Hà Nội sẽ tiến hành công khai nợ thuế khi bảo đảm cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ, DN không có phát sinh vướng mắc hoặc khiếu kiện, khiếu nại. Ngoài ra, việc cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn với các đơn vị nợ thuế cũng được cơ quan thuế triển khai theo quy định.

Câu chuyện nợ thuế thời gian qua cũng đang đặt ra một thực tế, nhiều DN nợ thuế nhưng thoát xác thành công ty con, các công ty liên quan. Về những trường hợp này, theo Luật sư Hà Huy Phong, các pháp nhân có quyền và nghĩa vụ độc lập với nhau, kể cả trường hợp các pháp nhân đó có mối quan hệ liên kết với nhau về mặt sở hữu (như công ty mẹ - công ty con, công ty liên kết). Và nhiều DN đã tận dụng điều này để né tránh các nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước, với đối tác, trong khi vẫn sử dụng hình ảnh và thương hiệu của nhau để tạo ấn tượng vẫn là một chủ đầu tư. “Mặc dù một DN nợ thuế, nhưng vẫn có thể còn tồn tại nhiều tài sản, bao gồm cả cổ phần và lợi ích trong các công ty con, công ty liên kết, và đó chính là nguồn tài sản để cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Cơ quan quản lý thuế và cơ quan chức năng khác có trách nhiệm xác định các sai phạm và yếu tố lỗi của người điều hành DN trong việc nợ đọng thuế, thậm chí trốn thuế. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền có thể xác định các tài sản của DN nợ thuế đang sở hữu ở các đơn vị khác để làm cơ sở cưỡng chế” - ông Phong nhấn mạnh.

"Bên cạnh nợ thuế, chủ đầu tư thường nợ tiền sử dụng đất dẫn tới không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trên thực tế, đây là nguyên nhân khá phổ biến tại nhiều dự án có tồn tại vấn đề về nợ sổ hồng." - Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco

 

 

Hà Lâm - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-cong-bo-2026-nguoi-nop-thue-no-thue-phi-dau-dau-voi-nhung-cai-ten-cu-420164.html